Gia Lai: Cú hích từ tín dụng nông nghiệp nông thôn

26/08/2010 07:37 AM


Tín dụng nông nghiệp, nông thôn (TDNNNT) có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn; dư nợ cho vay luôn chiếm khoảng 40% trong tổng dư nợ toàn tỉnh. Thời gian qua, chính sách này đã giúp hàng trăm ngàn nông dân và doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vốn phát triển kinh tế.

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn (TDNNNT) có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn; dư nợ cho vay luôn chiếm khoảng 40% trong tổng dư nợ toàn tỉnh. Thời gian qua, chính sách này đã giúp hàng trăm ngàn nông dân và doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vốn phát triển kinh tế.
 
 
Khơi thông từ Quyết định 67...
 
 
Bước khởi đầu của chủ trương tín dụng nông nghiệp-nông thôn là Chỉ thị số 202/CT-HĐBT năm 1991 về việc cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm nghiệp và kinh tế nông thôn; Nghị định số 14/NĐ-CP của Chính phủ năm 1993 về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông- lâm- ngư- diêm nghiệp và kinh tế nông thôn. Tiếp đó, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, Quyết định đã tạo cơ chế đồng bộ về nguồn vốn, đảm bảo tiền vay và là cơ sở pháp lý quan trọng tạo bước đột phá về đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
 
Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
Qua hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 67, nguồn vốn vào lĩnh vực này được khơi thông, đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn (NNNT) theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 19.500 tỷ đồng, trong số đó dư nợ TDNNNT là 7.377 tỷ đồng, chiếm gần 40%, với 186.380 hộ dân và 379 doanh nghiệp đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn là 4.803 tỷ đồng, trung dài hạn 2.575 tỷ đồng.

 
 
Với hình thức cho vay thông thường, cho vay theo lãi suất ưu đãi, cho vay theo chính sách của Nhà nước, TDNNNT đã và đang thực sự là “cú hích” mạnh mẽ, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển NNNT. Cơ cấu cây trồng đã được phát triển nhanh và mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các trang trại sản xuất cây công nghiệp, các mô hình sản xuất kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi…
 
 
Từ khi thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ, dư nợ đã tăng gấp nhiều lần, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguồn vốn của ngân hàng đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực. Gia Lai là một trong những địa phương được Ngân hàng Nhà nước đánh giá thực hiện quyết định về tín dụng phát triển nông thôn đạt hiệu quả cao.
 
 
Cơ hội mới
 
 
Sau 10 năm thực hiện, nhiều nội dung của Quyết định 67 đã không còn phù hợp với thực tế. Khả năng tiếp cận nguồn vốn cho vay phát triển NNNT thời gian qua còn nhiều hạn chế. Mức vay thấp, trong khi khu vực NNNT đang “khát” vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vốn để mua sắm trang-thiết bị, máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân của sự ra đời Nghị định 41 của Chính phủ đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Nhà nước đối với TDNNNT. Điểm mới của chính sách này là nâng mức vay tín chấp cho nông dân lên gấp 5 lần, với mức tối đa 50 triệu đồng, không cần tài sản bảo đảm, hầu hết các khoản vay kinh tế hộ sẽ không phải đăng ký giao dịch bảo đảm với Nhà nước. Cho vay tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NNNT; đến 500 triệu đồng với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Hiện tại, ngành ngân hàng đang chờ ngân hàng cấp trên có hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong thời gian sớm nhất. Có thể nói, với tinh thần triển khai rộng, Nghị định sẽ mang lại những chuyển biến tích cực cho kinh tế khu vực nông thôn trên khắp địa bàn.
 
 
Với một địa phương có diện tích đất nông nghiệp đã sử dụng 390.000 ha trong tổng số gần 500.000 ha toàn tỉnh (trong đó hơn 290.000 ha đất trồng cây hàng năm và hơn 210.000 ha cây lâu năm) thì đây là tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp khá lớn, công nghiệp chế biến hàng nông sản cũng sẽ có cơ hội phát triển trong tương lai gần. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các vùng trồng cây công nghiệp... Theo đó, TDNNNT sẽ góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế-phát triển văn hóa- ổn định xã hội ở nông thôn.

Theo Báo Gia Lai