Krông Pa (Gia Lai): Tín hiệu vui từ nền nông nghiệp

25/08/2010 01:25 PM


Từ năm 2005 đến nay, huyện Krông Pa đã tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương, phân vùng đầu tư có trọng điểm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng- vật nuôi, tăng cường khai thác hết quỹ đất và nâng cao hệ số sử dụng đất; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Từ năm 2005 đến nay, huyện Krông Pa đã tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương, phân vùng đầu tư có trọng điểm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng- vật nuôi, tăng cường khai thác hết quỹ đất và nâng cao hệ số sử dụng đất; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nhờ định hướng phát triển này mà sản xuất nông nghiệp của Krông Pa trong thời gian qua đạt những thành quả rất đáng ghi nhận. Tổng sản lượng lương thực quy hạt năm 2010 ước đạt 27.441 tấn, tăng hơn 6.400 tấn so với năm 2005.
Nông dân Krông Pa được mùa mì. Ảnh: Đ.M
Nông dân Krông Pa được mùa mì. Ảnh: Đ.M
Bước đầu huyện đã hình thành được vùng chuyên canh cây điều và các loại cây ngắn ngày như: Mì, bắp, thuốc lá vàng. Bên cạnh đó, hàng năm huyện xuất ngân sách hàng trăm triệu đồng đầu tư mua phân bón, giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ người dân phát triển các mô hình chăn nuôi bò, dê, heo sọc dưa, gà sạch hay mô hình trồng cây măng, trồng cỏ chăn nuôi...

 
 
Thuốc lá vàng là một trong những cây trồng mũi nhọn ở Krông Pa. Chính vì vậy mà diện tích thuốc lá không ngừng tăng qua mỗi năm, nếu như năm 2005 toàn huyện có hơn 1.950 ha, thì đến năm 2010 con số này đã là 3.000 ha. Nhờ trồng thuốc lá vàng, hàng ngàn hộ dân đã thoát nghèo, không ít hộ vươn lên giàu có… Gia đình anh Đàm Văn Hiến, ở tổ dân phố 15, thị trấn Phú Túc cũng là một trong những hộ đã đi đầu, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa cây thuốc lá vàng vào trồng. Đến nay, gia đình anh đã có hơn 3 ha thuốc lá vàng, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.
 
 
Bên cạnh cây thuốc lá, các loại cây mì, điều, bắp, lúa cũng là cây trồng chiến lược của huyện. Hiện nay, toàn huyện có trên 9 ngàn ha mì, bình quân hàng năm cho sản lượng hàng trăm ngàn tấn.
 
 
Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã triển khai thực hiện chương trình đẩy mạnh đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hội thảo giới thiệu máy nông cụ đã được triển khai tới người dân ở vùng sâu, vùng xa; các hội thảo đầu bờ, các lớp tập huấn được tổ chức một cách thường xuyên. Những giống cây trồng cho năng suất cao đã được nông dân mạnh dạn đưa vào trồng và đã mang lại hiệu quả cao tại các xã: Ia Rmok, Ia Rsai, Uar..., nông dân đã thay hẳn giống lúa cũ năng suất kém bằng các loại lúa lai XI23 và TH85 vào sản xuất. Kết quả cho thấy khi chưa chuyển đổi năng suất lúa chỉ đạt 25-30 tạ/ha sau khi chuyển đổi năng suất lúa đã đạt 35-40 tạ/ha có nơi lên đến 40-45 tạ/ha. Hiện nay, hầu hết nông dân các xã Ia Rsai, Uar, Ia Rmok đều đưa giống lúa này vào sản xuất.
 
 
Trong những năm tới Krông Pa tiếp tục mở rộng diện tích lúa nước ở các xã được hưởng lợi từ các công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình thủy lợi hồ Ia Dreh và Ia Mlah. Khi công trình thủy lợi Ia Mláh đi vào hoạt động sẽ có khoảng trên 5 ngàn ha đất khô cằn sẽ được hưởng lợi, lúc đó huyện Krông Pa sẽ trở thành vựa lúa thứ hai của tỉnh, sau Ayun Hạ. Ông Đinh Xuân Duyên-  Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có tới 11 công trình thủy lợi kiên cố đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hàng ngàn ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp.
 

 

Đức Mạo 

 

Một số kết quả về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Krông Pa trong 5 năm qua:
 

Mì KM94, 95 thay cho H34, 35-năng suất tăng từ 13 tấn lên 16 tấn/ha.
 

Bắp lai CP888 thay cho bắp địa phương-năng suất tăng từ 2 tấn lên 2,5 tấn/ha.
 

Giống lúa XI23, TH85 thay cho lúa Mai Lâm 48-năng suất tăng từ 30 tạ lên 40 tạ/ha.
 

Giống cỏ VA06 chăn nuôi, bước đầu trồng thử nghiệm thành công 20 ha tại xã Chư Drăng-đến nay toàn huyện có 160 ha.
 

Cơ giới hóa đáp ứng 30% khâu làm đất, đáp ứng 90% khâu thu hoạch.
 

Bò lai chiếm 11% tổng đàn, dê Bách Thảo chiếm 70% tổng đàn.

Theo Báo Gia Lai