Chư Drăng (Gia Lai): Giảm nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

19/08/2010 07:47 AM


Những năm trước đây, Chư Drăng (huyện Krông Pa) là một xã nghèo. Toàn xã có 978 hộ, gồm có 3 dân tộc chung sống thì có đến 47% đói nghèo, nhiều hộ đói giáp hạt từ 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, bước vào thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ III (2005-2010), Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao.

Những năm trước đây, Chư Drăng (huyện Krông Pa) là một xã nghèo. Toàn xã có 978 hộ, gồm có 3 dân tộc chung sống thì có đến 47% đói nghèo, nhiều hộ đói giáp hạt từ 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, bước vào thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ III (2005-2010), Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao.
 
Nhờ thâm canh nên năng suất mì ở Chư Drăng đạt cao. Ảnh: Nguyễn Văn Chi
Nhờ thâm canh nên năng suất mì ở Chư Drăng đạt cao. Ảnh: Nguyễn Văn Chi
Đảng bộ xã Chư Drăng đã bám sát các chương trình trọng tâm hướng về cơ sở của tỉnh và Nghị quyết chuyên đề của huyện, đặc biệt áp dụng chính sách trợ cước trợ giá, Chương trình 135, 134, 167... của Chính phủ vào điều kiện cụ thể của địa phương. Xã Chư Drăng vốn ruộng ít, đất rẫy nhiều, đồng bào nơi đây chỉ quen canh tác kiểu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và chủ yếu gieo trồng những loại giống mì, lúa, bắp cũ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Mặc dù đã được tập huấn và học tập nhiều, song nhân dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bước đầu, một số cán bộ đảng viên đã mạnh dạn đưa giống mì, bắp, lúa mới vào gieo trồng và đã đạt năng suất cao hơn giống địa phương.
 
Từ thực tế trên, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết về việc đầu tư thâm canh cây mì, cây bắp, cây lúa. Đồng thời quy hoạch các vùng trồng cây cho hợp lý, Đảng ủy phân công từng Đảng-ủy viên, Bí thư chi bộ các thôn, buôn chỉ đạo vận động người thân, gia đình tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất. Đến nay, năng suất cây mì đạt 10 đến 12 tấn khô/ha, sản lượng đạt 4.943 tấn, tăng 1.236 tấn so với kế hoạch, hộ nào thu hoạch ít nhất cũng 10 đến 15 tấn/vụ. Nhiều hộ nông dân có thu nhập từ mì trên 40 tấn như hộ ông bà Nông Thị Hằng, Ksor Rok ở buôn H’Liết,  Nay Ruynh ở buôn Mung...
 
Bên cạnh đó, xã còn vận động bà con làm thủy lợi, thâm canh cây lúa lai giống mới, nhờ đó năng suất lúa đạt 40 đến 42 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 540,3 tấn, bình quân lương thực đạt 420 kg/người/năm, bước đầu đã xóa được tình trạng đói giáp hạt. Trong xã xuất hiện nhiều gương điển hình sản xuất giỏi vươn lên xóa đói giảm nghèo, có mức thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng. Phát huy thế mạnh đồi núi, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo mô hình hàng hóa, bà con phát triển mô hình trang trại chăn thả tập trung. Hiện nay, toàn xã có đàn bò, dê trên 5.706 con, trong đó bò lai, dê lai chiếm tới 70%, đàn heo gần 1.850 con, đây là nguồn thu nhập đem về cho bà con mỗi năm trên 2 tỷ đồng.
 
 
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay 100% thôn, buôn đều có đường ô tô, xe máy đến trung tâm xã, giáo dục, y tế cũng tiến bộ rõ rệt, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa, trên 98% trẻ em trong độ tuổi ra lớp, 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia, 85% số dân có ti vi, xe máy. Từ một xã có hộ nghèo cao, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tỷ lệ hộ nghèo ở Ia Drăng hiện giảm còn 23%.

Theo Báo Gia Lai