Cồng chiêng- Bộ phận hữu cơ của văn hóa đương đại

13/08/2010 03:17 PM


Kể từ khi trở thành kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đã có nhiều chương trình, dự án văn hóa được tiến hành, hé mở đường hướng lạc quan trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Kể từ khi trở thành kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đã có nhiều chương trình, dự án văn hóa được tiến hành, hé mở đường hướng lạc quan trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Song, bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa có tầm cỡ nhân loại vẫn là một việc hết sức khó khăn đối với các nhà quản lý và với chính chủ nhân của nền văn hóa ấy.
 
 
Bảo tồn và phát huy theo hướng nào?
 
 
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất. Giáo sư- Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Phải có thái độ ứng xử đúng với quy luật văn hóa là vừa bảo tồn, vừa phát triển không gian văn hóa cồng chiêng sao cho phù hợp với cuộc sống đương đại”. Ông cũng lưu ý thêm: Trong quá trình ấy tuyệt đối không được phép có chuyện “được mới, nới cũ” như đã từng xảy ra tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa tại nhiều địa phương. Bởi việc làm đó là “hết sức nguy hiểm” đối với một di sản văn hóa nhân loại như văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bản thân ông cũng như nhiều nhà khoa học khác (GS-TS Ngô Đức Thịnh, PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Bùi Trọng Hiền...) đã chỉ ra: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một phần không thể tách rời dòng chảy lịch sử, văn hóa của người Tây Nguyên. Thêm nữa, đó còn là một biểu tượng đặc sắc cho trí tuệ, tài năng sáng tạo văn hóa âm nhạc độc đáo của người dân bản địa.
 
 
Biểu diễn công chiêng
Biểu diễn công chiêng
Cũng về vấn đề này, Thạc sĩ, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan cho rằng: Cải tiến, phát huy một giá trị văn hóa đã được tôn vinh, thừa nhận (như văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên) mà không có sự kế thừa và tiếp nối liền mạch thì không thể chấp nhận được. Theo ông, việc “cải tiến” dàn chiêng theo kiểu gò lại thang âm của phương Tây có đủ bảy nốt (đồ, rê, mi, pha, son, la, si...) để chơi một bài nhạc cụ thể nào đó là hoàn toàn xa lạ với truyền thống vốn có. Ông cho biết thêm, cách đây vài năm, đội chiêng “cải tiến” của huyện Mang Yang đã trình diễn bài chiêng (Groong Kpô) tại một lễ hội đâm trâu được tổ chức ở địa phương khiến người nghe vô cùng thất vọng. Những người am hiểu văn hóa cồng chiêng cho rằng, giai điệu bài chiêng ấy chỉ có ý nghĩa và đem lại hiệu quả cảm xúc thật sự khi nó được hòa vang trong một phức thể âm thanh nhiều cấp độ gồm: Chiêng bằng, chiêng núm, tiếng trống cùng tiếng hò reo phấn khích của cả cộng đồng người dự lễ. Như vậy, việc cải tiến cồng chiêng cho phù hợp với đời sống hiện nay, không có nghĩa là vứt bỏ, phá phách mọi giá trị truyền thống vốn có mà phải hết sức lưu ý yếu tố kế thừa và phát huy đúng nghĩa các giá trị truyền thống ấy.
 
 
Không gian “sống” của văn hóa cồng chiêng
 
 
Cồng chiêng trong dòng chảy văn hóa đương đại đã dần thoát khỏi “môi trường thiêng” vốn dĩ để trở thành một hoạt động văn hóa nghệ thuật gần gũi và đời thường hơn. Không gian văn hóa cồng chiêng không còn bó hẹp trong lễ nghi tâm linh và tín ngưỡng dân gian xưa, mà đã hiện diện khắp nơi, kể cả trên sân khấu hiện đại. Nhiều người cho đó là sự “lột xác” của văn hóa cồng chiêng nhằm tìm đến với đời sống mới. Song, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn: Liệu đó có phải là không gian văn hóa cồng chiêng-điều quan trọng và cốt lõi mà UNESCO đã căn cứ vào đó để công nhận là di sản văn hóa nhân loại(?).
 
 
Nhìn nhận vấn đề này, GS. Tô Ngọc Thanh cũng như GS. Trần Văn Khê cho rằng: Cồng chiêng ngày càng thoát ra khỏi “môi trường thiêng” để đi vào cuộc sống đương đại đầy biến chuyển này cũng là điều tất yếu, nhưng đó là sự lan tỏa của văn hóa cồng chiêng, chứ không nên coi đó là sự “mở rộng” không gian văn hóa cho cồng chiêng. Bởi nói gì thì nói, môi trường sinh thành ra văn hóa cồng chiêng chỉ thật sự có ý nghĩa khi được gắn liền với phong tục, lễ hội và tín ngưỡng dân gian. Tách cồng chiêng ra khỏi môi trường ấy, coi như giá trị văn hóa đặc trưng và độc đáo này không còn hàm chứa “mã số thông tin” về mặt văn hóa, lịch sử nào nữa!
 
 
Do điều kiện xã hội thay đổi, cồng chiêng Tây Nguyên mất dần cơ sở và môi trường diễn xướng. Vậy nên việc nỗ lực và tích cực gìn giữ, khôi phục môi trường sống cho cồng chiêng theo hướng nguyên trạng là tốt nhất. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không biến mất trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử-xã hội nào, vì ngay từ khi sinh thành nó đã mang trong mình bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống vốn phong phú của con người. Hiện nay, tuy chức năng xã hội, tín ngưỡng... bị giảm hay mất đi ít nhiều, nhưng chức năng biểu hiện cảm xúc hay nói cách khác là chính hình tượng nghệ thuật của cồng chiêng Tây Nguyên luôn mô tả, chuyên chở những cảm xúc của con người, của cộng đồng trước một hiện thực xã hội nhất định. Như thế, nghệ thuật cồng chiêng chẳng những không mất đi mà còn tồn tại và trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa đương đại.

Theo Báo Gia Lai