Xây dựng nông thôn mới: Quy hoạch phải đi trước một bước

13/08/2010 07:38 AM


Qua hai giai đoạn làm thí điểm trên toàn quốc (xây dựng nông thôn mới quy mô làng và xã), gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới cơ bản đã được định hình.

Qua hai giai đoạn làm thí điểm trên toàn quốc (xây dựng nông thôn mới quy mô làng và xã), gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới cơ bản đã được định hình.
 
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2010 và Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Theo đó, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây là một chương trình mới mẻ, triển khai trên diện rộng, với nhiều nội dung và trong thời gian lâu dài. Để có lộ trình, bước đi, công việc cụ thể, rất cần sự hoạch định một cách thực tiễn và khoa học, tránh sự chắp vá, làm đi làm lại nhiều lần. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành tại buổi giao ban trực tuyến ngày 6-8-2010, việc quy hoạch nông thôn mới phải đi trước một bước. Rút kinh nghiệm các mô hình thí điểm trước đây chỉ nặng về xây dựng kết cấu hạ tầng.
 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hiện nay đã có 19 tiêu chí, 11 nội dung về xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí và nội dung trên yêu cầu phát triển nông thôn phải mang tính toàn diện, cả về kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất đời sống và sắp xếp nơi ăn ở của nông thôn. Về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ lưu ý ưu tiên xây dựng tốt 3 quy hoạch là: Quy hoạch sản xuất, quy hoạch cơ sở hạ tầng và quy hoạch khu cụm dân cư nông thôn.
 
 
Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới các địa phương cho thấy, công tác quy hoạch phải triển khai cụ thể ở cấp xã, tôn trọng hiện trạng, tiếp thu những thành quả về phát triển nông thôn, khắc phục những khó khăn tồn tại. Việc quy hoạch ở cấp xã phải do UBND cấp xã chủ trì, UBND cấp huyện phê duyệt. Người dân phải được trực tiếp tham gia vào quy hoạch, phải tôn trọng ý dân.
 
 
Các nhà tư vấn chỉ giúp đỡ về mặt kỹ thuật là chính. Ở cấp huyện và cấp tỉnh phải lập được các đề án xây dựng nông thôn mới mang tính tổng hợp khái quát về nội dung công việc, tiến độ thực hiện. Mặt khác, để có được những sự hoạch định tốt, rất cần khảo sát, đánh giá nắm bắt hiện trạng về nông dân toàn tỉnh, so với 19 tiêu chí nông thôn mới. Có cơ sở dữ liệu cụ thể và cái nhìn tổng quát xem nông thôn tỉnh nhà đang nằm ở đâu so với yêu cầu của nông thôn mới.
 
 
Tuy vậy, trong thời gian qua, theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã triển khai công tác này trong khoảng thời gian nửa năm, kết quả thu được là chỉ có 2 thị xã An Khê và Ayun Pa có báo cáo với số liệu rất sơ lược. Các địa phương khác hầu như bị chìm vào quên lãng.
 
 
Thiết nghĩ, để công cuộc xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống, chủ trương này phải được đưa vào văn kiện của đại hội đảng các cấp trong nhiệm kỳ tới, được thảo luận, phân tích và có được sự nhất trí, quyết tâm cao. Như vậy, việc định hướng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải thực sự thông suốt, đi trước một bước trong tiến trình triển khai thực hiện lâu dài của cả chương trình.

Theo Báo Gia Lai