Trên quê hương Anh hùng Núp

12/08/2010 07:17 AM


So với các địa phương khác của tỉnh Gia Lai, Kbang có niềm tự hào riêng là quê hương cách mạng với “thị trấn Dân Chủ”, nơi tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh để lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là quê hương Anh hùng Núp, người con của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Bahnar nói riêng.

So với các địa phương khác của tỉnh Gia Lai, Kbang có niềm tự hào riêng là quê hương cách mạng với “thị trấn Dân Chủ”,  nơi tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh để lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là quê hương Anh hùng Núp, người con của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Bahnar nói riêng.
 
 
Là một vùng căn cứ của cách mạng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Kbang đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ghi nhận những thành tích ấy, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho huyện và 3 xã là Krong, Kông Pla, Sơn Lang. Không chỉ giỏi đánh giặc, đồng bào dân tộc Bahnar nơi đây còn biết phát huy truyền thống đoàn kết, tính cần cù chịu khó sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày một phát triển đi lên. Từ một huyện nghèo, được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn, trong những năm gần đây Kbang được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
 
 
Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: Đ.T
Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: Đ.T
Năm 1985, khi mới chia tách từ huyện An Khê, Kbang chỉ có trên 2.300 ha đất canh tác chủ yếu độc canh cây lúa rẫy vậy mà đến nay đã có hơn 29.000 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 1.050 ha, bắp 13.560 ha, mía 4.510 ha, hơn 869 ha cây ăn quả và nhiều loaị cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê 2.200 ha, tiêu, quế, bời lời... Tiềm năng, thế mạnh của huyện từng bước được khai thác một cách có hiệu quả, đặc biệt nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đến nay huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh phía Nam như mía, mì, bắp, đậu đỗ các loại ở các xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Đak Hlơ; cà phê, hồ tiêu, quế, bông, cây ăn trái... ở các xã phía Bắc như: Sơn Lang, Krong, Sơ Pai, Đak Krong. Toàn huyện hiện có đàn gia súc trên 54.780 con, trong đó bò 21.660 con, tỷ lệ lai chiếm 60,1%, heo 20.900 con, còn lại là các loại gia súc khác như trâu, dê với hơn 12.000 con... Về văn hóa-xã hội, đến nay 93,39% xã đã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm xã; sự nghiệp trồng người được quan tâm thỏa đáng, từ năm 1998 huyện đã được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, đến nay toàn huyện có 39 trường học với hơn 23.000 học sinh các cấp theo học. Về y tế, ngoài bệnh viện huyện, các xã đều có trạm y tế với đội ngũ cán bộ có hơn 112 người, trong đó có 21 bác sĩ đủ sức đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện; tỷ lệ đói nghèo từ 87% đến năm 2010 xuống còn 17%.
 
 
Về Kbang vào những ngày tháng Tám lịch sử, đúng vào dịp huyện vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015), tạo đà mới cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu cho chặng đường tiếp theo. Được các anh ở huyện đưa đi thăm một số nơi như: Thị trấn Dân Chủ (xã Krong), Nhà tưởng niệm Anh hùng Đinh Núp, làng kháng chiến Si-tơ (xã Tơ Tung)... cùng với những gì được biết về lịch sử của vùng đất vốn giàu truyền thống cách mạng này, tôi không chỉ sống lại không khí hào hùng của một thời cha ông đánh giặc, mà còn được chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của các xã vùng sâu, vùng xa; được nghe chính những người dân nơi đây nói về chuyện làm giàu.
 
 
Chúng tôi về thăm lại xã Kon Pne và không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng nơi đây. Dọc hai bên đường từ trung tâm xã vào các làng đã thấy màu xanh của cây bắp, cây lúa; chạy dọc theo nó là đường dây điện đã được kéo về thắp sáng 3 thôn Kon Ktouh, Kon Kring, Kon Hlong. Gặp lại Bí thư Đảng ủy xã Chu Văn Định, anh phấn khởi cho biết: Con đường đã thực sự mang lại cho bà con Bahnar nơi đây nhiều niềm vui. Nhờ có con đường, 2 công trình thủy lợi Đak Trúc, Đak Tờ Các phát huy được hiệu quả, đã giúp xã mở rộng diện tích lúa nước lên gần 100 ha bằng các giống mới cho năng suất cao... Anh Đinh A Mừng-thôn Kon Kring, người đầu tiên trồng thử bắp lai thì không giấu được niềm vui: “Được cán bộ hướng dẫn, năm rồi mình trồng 1 ha, thu hoạch được 5 tấn vậy mà vẫn chưa hết. Gia đình mình phấn khởi lắm, trong vụ tới, mình sẽ trồng thêm nữa để sửa chữa nhà và có tiền cho con đi học!”.
 
 
Có là người trong cuộc mới hiểu được niềm vui của bà con Bahnar nơi đây. Kon Pne, là xã xa nhất của Gia Lai.
 
 
Vậy mà đến nay 100% hộ dân ở xã Kon Pne có ruộng nước và mỗi hộ có gần 1 ha đất rẫy để trồng bắp, đậu, mì… Cả xã có gần 1.000 con gia súc và hơn 2.500 con gia cầm. Hầu hết gia đình đều xây dựng nhà kiên cố và bán kiên cố. Tuyến đường từ xã về làng được đầu tư khá bài bản, 30% số hộ có xe máy; 85% số hộ được xem ti vi, nghe đài… Đời sống của bà con không chỉ được nâng cao về vật chất mà cả tinh thần, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, trẻ em đều được đến trường, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được chú trọng.
 
 
Ông Đinh Gieng- Bí thư Huyện ủy Kbang tâm sự: Trong nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Kbang luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh. Đó cũng chính là cơ sở, là nền tảng chính trị vững chắc để lòng dân luôn hướng về Đảng, về cách mạng... Nghe những lời khẳng định của đồng chí  Bí thư  Huyện ủy, lại chợt nhớ đến những dòng chữ mà tôi ghi được tại Di tích lịch sử văn hóa làng kháng chiến Si-tơ được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận theo Quyết định số 381/QĐ/BT 1993: “...Chỉ với hầm chông, bẩy đá và niềm tin vào Đảng mà Si-tơ đã trở thành làng kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc như một huyền thoại”...

Theo Báo Gia Lai