Gia Lai: Cơ hội mới cho lao động nông thôn

10/08/2010 07:49 AM


Chiếm gần 70% tổng số lao động toàn tỉnh Gia Lai, song trình độ và kỹ năng lao động lạc hậu, lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng lao động người dân tộc thiểu số rất cần được bổ sung kỹ năng, kiến thức sản xuất.

Chiếm gần 70% tổng số lao động toàn tỉnh Gia Lai, song trình độ và kỹ năng lao động lạc hậu, lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng lao động người dân tộc thiểu số rất cần được bổ sung kỹ năng, kiến thức sản xuất.
 
 
Lao động nông thôn là lực lượng có vị trí quan trọng trong sản xuất, tuy nhiên chất lượng lại chưa cao. Thời gian qua, các ban ngành chức năng, cơ sở dạy nghề của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội Gia Lai đã tập trung đẩy mạnh dạy nghề và đào tạo nghề cho số lao động này. Các cơ sở dạy nghề công lập và một số doanh nghiệp đã phần nào giúp nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tại chỗ cho các địa phương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện đạt 30%, tăng 11,5% so với năm 2005. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn luôn đạt 79%. 
 
 
Học nghề vừa giúp lao động nông thôn nâng cao được trình độ, kỹ năng lao động, vừa mở ra cơ hội sinh kế. Ảnh: L.H
Học nghề vừa giúp lao động nông thôn nâng cao được trình độ, kỹ năng lao động, vừa mở ra cơ hội sinh kế. Ảnh: L.H
Từ năm 2006 đến nay, các cơ sở dạy nghề và đào tạo nghề trong tỉnh đã dạy nghề cho 25.702 lao động nông thôn. Anh Siu Khéh- Phó Bí thư Đoàn xã Gào (TP. Pleiku), nơi liên tục trong 3 năm qua mở lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho thanh niên trong xã, cũng từng là học viên lớp dạy nghề này, cho biết: “Thanh niên trong xã phấn khởi lắm! Trước đây, mỗi khi máy móc hỏng hóc tí chút bà con đều phải mang ra tận cửa hàng, cách xa mấy cây số để sửa. Giờ đây mọi việc đã dễ dàng hơn vì thanh niên trong làng được học nghề đã đảm nhiệm việc đó, bà con đỡ vất vả, tốn kém hơn nên rất thích cho con cái đi học nghề. Sắp tới, xã mình sẽ mở thêm lớp nữa”.
 
 
Đánh giá về hiệu quả hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Nguyễn Tấn Thành- Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh), cho biết: “Việc dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phần nào khắc phục được những hạn chế, nâng cao tư duy, trình độ và kỹ năng cho người lao động. Thay đổi đầu tiên là các học viên đã biết phát huy tốt kiến thức nghề ngay vào thực tế sản xuất hộ gia đình mình, nhất là nhóm nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Bà con đã biết trồng và chăm sóc nhiều loại cây hàng hóa, năng suất ngày một tăng. Trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số ngày càng nhiều”. Ông Thành đưa ra ví dụ: Ở huyện Đak Đoa và Đức Cơ, nhiều học viên sau khi tham gia lớp học xây dựng đã tổ chức thành nhóm nhận thi công công trình nhà ở Chương trình 167…
 
 
Tuy nhiên bên cạnh những thành công, việc dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn đang gặp không ít khó khăn, như: Cơ sở vật chất, trình độ và đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhiều nơi khó vận động thanh niên tham gia học nghề, thời gian học nghề còn ngắn, sự bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học viên… làm ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả đào tạo. Ông Trần Văn Kiệm- Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Gia Lai, chia sẻ: “Dạy nghề cho thanh niên nông thôn được đánh giá là chủ trương khá thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nếu được quan tâm, chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên… thì sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
 
 
Với đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, Gia Lai đang xây dựng kế hoạch trong 10 năm (2011-2020), toàn tỉnh sẽ đào tạo thêm 190.000 lao động, trong đó đào tạo 128.000 lao động nông thôn. Khi đề án trên được đưa vào thực hiện, chắc chắn bài toán lao động nông thôn Gia Lai sẽ có lời giải.

Theo Báo Gia Lai