Mang Yang: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế

02/08/2010 01:47 PM


Trong 5 năm (2005-2010), giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Mang Yang, Gia Lai tăng 14,72%.

Trong 5 năm (2005-2010), giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Mang Yang, Gia Lai tăng 14,72%.
 
Trong đó, nông- lâm nghiệp tăng 8,44%, công nghiệp- xây dựng có tốc độ tăng cao nhất, bình quân tăng 28%, dịch vụ- thương mại tăng 21,4%.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều tiến bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển trong 5 năm qua đạt 140 tỷ đồng với 213 dự án tập trung các lĩnh vực như: Giao thông, thủy lợi, điện, nước, chợ, bến xe, trường học, y tế, các thiết chế văn hóa…

Đến nay, 9/12 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99%, dùng nước hợp vệ sinh 91,4%; 100% thôn, làng định canh định cư ổn định. Thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 13,2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,49% năm 2005 xuống còn 14,91% năm 2010. Các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 134, 135, 167, 168 của Chính phủ được chú trọng và lồng ghép với một số dự án khác tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
 
Nhà máy chế biến tinh bột mì Mang Yang. Ảnh: Đức Thụy
Nhà máy chế biến tinh bột mì Mang Yang. Ảnh: Đức Thụy
Tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song kinh tế- xã hội của Mang Yang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, huyện có xuất phát điểm về kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất có nơi còn lạc hậu, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Nguồn vốn tỉnh hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển. Tiềm năng đầu tư lớn nhưng chưa được khai thác; sông suối, rừng, khoáng sản, du lịch sinh thái vẫn còn đó nhưng cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên các nhà đầu tư chưa mặn mà.
 
 
Làm thế nào để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế tạo nền tảng giải quyết các vấn đề xã hội? Đây là vấn đề mà Đảng bộ huyện quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Đề cập hướng phát triển trong 5 năm tới, bà Trần Thị Hoài Thanh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Trong 5 năm tới, mục tiêu bao trùm là khai thác có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ nhanh gắn với giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, trong đó nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng yếu của huyện, là nhân tố thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Gắn kết phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ và phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, mở rộng ngành nghề ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
 
 
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Trần Thị Hoài Thanh: Huyện phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15% trở lên, nếu không đạt được mức tăng trưởng như vậy, Mang Yang sẽ không theo kịp các huyện, thị xã trong vùng.
 
 
Để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, trước mắt huyện sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội khu vực thị trấn Kon Dơng và xã Đak Djrăng tạo động lực phát triển các vùng lân cận; mở rộng các nguồn nguyên liệu tập trung và khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, tăng sức cạnh tranh từ sản phẩm nông- lâm nghiệp.
 
 
Bên cạnh đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường đến trung tâm xã Ayun và nối liền đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái; đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 670 đi Kon Tum và tỉnh lộ 666 đi các huyện phía Nam của tỉnh, đồng thời nhựa hóa tuyến đường đi các xã Đê Ar, Đak Trôi, Kon Chiêng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm cụm xã Kon Thụp.

Theo Báo Gia Lai