Gia Lai: Chú trọng phát triển thương mại điện tử

25/06/2014 07:49 AM


Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh… là những lợi ích thiết thực của thương mại điện tử (TMĐT)-hoạt động giao dịch thương mại thông qua mạng internet. Cùng với cả nước, thời gian gần đây, hoạt động TMĐT ở Gia Lai đã bắt đầu được triển khai và dần đi vào ổn định.

Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh… là những lợi ích thiết thực của thương mại điện tử (TMĐT)-hoạt động giao dịch thương mại thông qua mạng internet. Cùng với cả nước, thời gian gần đây, hoạt động TMĐT ở Gia Lai đã bắt đầu được triển khai và dần đi vào ổn định.

Thành công bước đầu

So với nhiều tỉnh thành khác, TMĐT ở tỉnh ta sinh sau đẻ muộn, mới chính thức được chú trọng vào năm 2011. Trước đó, toàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào tham gia ứng dụng TMĐT mà chỉ có khoảng 25 website mang tính tổng hợp của các cơ quan Nhà nước, khối Đảng và gần 50 website quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

 

Sàn giao dịch TMĐT Gia Lai giúp cộng đồng doanh nghiệp tỉnh có một môi trường giao dịch trực tuyến. Ảnh: Hồng Thi
Sàn giao dịch TMĐT Gia Lai giúp cộng đồng doanh nghiệp tỉnh có một môi trường giao dịch trực tuyến. Ảnh: Hồng Thi

Đến nay, Sở Công thương đã áp dụng hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thu nhập và quản lý trực tuyến thông tin xuất-nhập khẩu Gia Lai tại địa chỉ www.xnkgialai.gov.vn. Bên cạnh đó, việc Sàn giao dịch TMĐT Gia Lai tại địa chỉ www.thuongmaigialai.vn chính thức hoạt động vào cuối năm 2013 đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có được một môi trường giao dịch trực tuyến. “Hiện Sở đã và đang hỗ trợ 55 doanh nghiệp tham gia vào Sàn giao dịch; phối hợp với Cục TMĐT để hỗ trợ xây dựng miễn phí website cho các doanh nghiệp với tên miền vĩnh viễn và miễn phí sử dụng tên miền trong năm đầu. Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có gần 80 đơn vị đã ứng dụng giao dịch TMĐT”-ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất-nhập khẩu và TMĐT Sở Công thương, cho biết.
    
Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, việc phát triển TMĐT là một nhu cầu cần thiết và cấp bách để kinh tế Gia Lai rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, TMĐT giúp tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch; với người tiêu dùng, TMĐT giúp họ có nhiều lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp; với xã hội, TMĐT phát triển sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn như: thu thập được nhiều thông tin, giảm chi phí sản xuất-bán hàng-tiếp thị-giao dịch và bảo vệ môi trường.

Là một trong những đơn vị tiên phong, Doanh nghiệp tư nhân Đức Thanh (64 Trần Phú, TP. Pleiku) đã gặt hái được nhiều thành công nhờ việc ứng dụng TMĐT vào kinh doanh. Anh Phạm Đăng Tuấn-nhân viên bán hàng-chia sẻ: “Website TMĐT của Đức Thanh được thành lập vào tháng 10-2012. Nhờ nó, chúng tôi giới thiệu, quảng bá được sản phẩm, bán hàng dễ dàng mà không tốn nhiều công sức tư vấn. Khách hàng đặt mua hàng trực tuyến nhưng con số ấy vẫn còn ít. Hiện chúng tôi đang tập trung hoàn thiện việc cập nhật thông tin sản phẩm cũng như xây dựng giao diện website sao cho bắt mắt, tiện dụng cho người mua”.

Dần dần nhận thức được thế mạnh của TMĐT, nhiều doanh nghiệp cũng manh nha ý định tiếp cận. Ông Phạm Việt Hùng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Trung VN ECV (79 Tôn Thất Tùng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku)-cho hay: “Công ty chúng tôi đã có website từ đầu năm 2010, tuy nhiên nó chỉ đơn thuần là trang web để giới thiệu về Công ty và sản phẩm kinh doanh. Sắp tới, tôi đang có kế hoạch xây dựng website TMĐT để mặt hàng của Công ty được biết đến rộng rãi hơn trên cả nước, giúp khách hàng có thể mua hàng trực tiếp từ Công ty mà không qua khâu trung gian, cũng là tiết kiệm chi phí cho Công ty vì không cần mở nhiều đại lý”.

 

Tổ chức các hội nghị tập huấn giúp cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về TMĐT. Ảnh: Hồng Thi
Tổ chức các hội nghị tập huấn giúp cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về TMĐT. Ảnh: Hồng Thi

Nâng tầm hiệu quả    

Dù đã được triển khai thực hiện được hơn 2 năm, song TMĐT vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ không chỉ riêng các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh mà còn với hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh nhà. “Nhận thức của họ về TMĐT khá hẹp, thói quen giao dịch truyền thống (đến tận nơi)… dẫn đến chưa thật sự mạnh dạn ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh, mua-bán. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng TMĐT ở tỉnh ta còn hạn chế, trình độ sử dụng internet của người dân chưa thành thạo… Đó là những khó khăn trước mắt mà ngành Công thương cùng các ban, ngành liên quan của tỉnh đang nỗ lực tìm cách khắc phục”- ông Lực nói.

Trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức đơn vị liên quan thực hiện tốt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, theo tinh thần Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11-5-2014 phê duyệt chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả một số nội dung như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT thông qua các hội nghị phổ biến kiến thức về TMĐT, các hoạt động truyền thông trên báo, đài…; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn về xây dựng và kỹ năng ứng dụng TMĐT trong hoạt động quản lý của cán bộ quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin-Bộ Công thương tổ chức 8 hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TMĐT.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng sẽ xây dựng và triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai ứng dụng TMĐT; duy trì phát triển Sàn giao dịch TMĐT Gia Lai, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tham gia các Sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước; hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các Website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, kinh doanh trực tuyến… Cùng với đó, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Theo Báo Gia Lai