Đưa giáo dục chính trị tư tưởng làm vai trò trung tâm
18/06/2014 07:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong trường học là một trong những nhiệm vụ được ngành giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pah đặc biệt quan tâm. Với ý nghĩa đó, 15 năm qua, các trường học trên địa bàn luôn định hướng nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng môi trường học đường thân thiện.
Xác định chi bộ nhà trường thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện nên trong nhiều năm qua ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pah luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng và Nhà nước là xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có tư tưởng chính trị vững vàng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong sự nghiệp giáo dục, trong đó đáng chú ý là công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Nếu như năm 1998, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện có 663 giáo viên, cán bộ viên chức (GV, CBVC) nhưng chỉ có 5 chi bộ đảng với 52 đảng viên thì sau 15 năm (1998-2014) thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 30-5-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” đến nay toàn ngành đội ngũ GV, CBVC có 930 người, trong đó 320 đảng viên đang sinh hoạt tại 25 chi bộ và 100% trường học đều có đảng viên. Hơn nữa, ngành cũng rất quan tâm đến việc phát triển đảng viên là giáo viên trực tiếp đứng lớp. Cụ thể đến nay có 40 đảng viên là giáo viên mầm non, 156 đảng viên là giáo viên tiểu học và 124 đảng viên là giáo viên trung học cơ sở. Theo bà Hồ Thị Thảo-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cho biết: “Việc giáo dục chính trị tư tưởng có tầm quan trọng đặc biệt giúp cho giáo viên định hướng phát triển nhân cách cho học sinh. Từ đó, thông qua các môn học, giáo viên sẽ truyền dạy về kỹ năng sống, về truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của dân tộc và khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước”. Theo bà Thảo, đối với đảng viên là giáo viên đứng lớp thông qua các môn học xã hội như: Văn, sử, giáo dục công dân hoặc trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… sẽ lồng ghép việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cũng như nâng cao việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với chính thầy-cô giáo và các em học sinh. Cũng qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện đã tạo điều kiện cho 155 cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên được tham gia các lớp tìm hiểu về Đảng. Sau khi tham gia các lớp tìm hiểu và được kết nạp vào Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật, tính xung kích trong các hoạt động nhà trường và việc thực hiện các công việc được giao thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động công đoàn, tổ chuyên môn… Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo sát sao của các cấp, quy mô trường, lớp, sĩ số học sinh từng bước được duy trì và phát triển khá ổn định, cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ dạy và học được từng bước đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.
Đến nay toàn ngành có 15 trường mầm non với 3.679 trẻ, 19 trường tiểu học với 8.309 học sinh và 16 trường THCS với 4.384 học sinh. Huyện Chư Pah không còn lớp học tranh tre, nứa lá; không còn phải học ghép như trước đây mà được thay vào đó các phòng học kiên cố, khang trang; trang-thiết bị từng bước được đầu tư nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng giao thông đến các trung tâm xã bây giờ đã được nhựa hóa nên thuận lợi cho việc đi lại, giáo viên cũng yên tâm bám trường, bám lớp, gắn bó công tác chuyên môn ở cơ sở. Nhiều thầy cô ở các trường THCS xã Ia Nhin, Ia Phí, Đak Tơ Ve, Chư Đăng Ya… gắn bó với trường 5-7 năm, có người trên 10 năm; có những đảng viên là giáo viên sau khi được phân công giảng dạy tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nơi chưa có đảng viên đã thể hiện được hạt nhân quan trọng trong các phong trào, hoạt động ở thôn, làng. Bởi vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị ở cơ sở thì việc nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một động lực rất quan trọng giúp cho GV, CBVC yên tâm công tác. Ngoài ra, ngành cũng tự vận động xây dựng quỹ mái ấm công đoàn, quỹ nghĩa tử để tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và những bất trắc trong đời sống… Tuy nhiên, bà Hồ Thị Thảo cũng thừa nhận, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pah vẫn còn 18 trường sinh hoạt chi bộ ghép; 9 cán bộ quản lý chưa phải là đảng viên (ở bậc mầm non và tiểu học); việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị của một bộ phận đảng viên trong trường học chưa trở thành nhu cầu bức thiết; công tác tự phê bình và phê bình còn hạn chế nên việc phát huy tính tiền phong, gương mẫu của một số đảng viên chưa cao dẫn đến vi phạm trong quản lý chỉ đạo và bị xử lý kỷ luật.
Theo Báo Gia Lai
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...