Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: Nhiều khó khăn, vướng mắc

27/05/2014 07:23 AM


Từ năm 2001 đến nay, ngành Y tế Gia Lai triển khai công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ năm 2001 đến nay, ngành Y tế Gia Lai triển khai công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ở những trạm y tế đạt chuẩn

Hiện nay, toàn tỉnh mới có 101 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế, trong số đó có 37 xã đã đạt tiêu chí quốc gia theo bộ tiêu chuẩn mới 2011-2020, 64 trạm y tế còn lại đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chuẩn cũ 2001-2010.

 

Trạm Y tế xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro).  Ảnh: Đức Thụy
Trạm Y tế xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro). Ảnh: Đức Thụy

Quá trình hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đã bước sang giai đoạn 2, tức là các tiêu chí mới được xây dựng ở mức độ cao hơn, phù hợp hơn, khắc phục những mặt còn tồn tại của các tiêu chí cũ. Tuy nhiên, bên cạnh một số trạm đã bước sang giai đoạn 2, nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa qua được “cửa ải” đầu tiên. Phần lớn các trạm y tế chưa đạt chuẩn có cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ diện tích, phòng chức năng theo quy định. Trang-thiết bị phục vụ cho công tác khám-chữa bệnh còn sơ sài, thiếu các máy móc hiện đại khiến công tác khám-chữa bệnh cho nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trạm Y tế xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) khá xập xệ, cũ kỹ. Nhân viên tại trạm cho biết từ khi xây dựng vào năm 2002 đến nay hầu như trạm không có thay đổi nào, trừ hai phòng trực vừa được xây dựng ở phía sau. Hiện tại, trạm chỉ có 4 phòng chức năng phục vụ cho việc khám bệnh. Y sĩ Nguyễn Văn Đức cho biết: “Cứ mỗi lần đến ngày tiêm chủng mở rộng, bà con đến trạm rất đông. Phòng chức năng đã ít, lại không theo quy trình một cửa nên rất lộn xộn, không đủ chỗ cho mọi người, đặc biệt là đối tượng cần theo dõi sau tiêm nên phải đứng cả ra ngoài sân”. Về trang-thiết bị vật tư, trạm cũng chỉ được có một số dụng cụ cơ bản như máy đo huyết áp, nồi hấp, tủ đựng vắc xin, bộ dụng cụ tiểu phẫu ít khi được dùng đến.

Trạm Y tế xã Krong (huyện Kbang) vừa được xây dựng khá khang trang với 9 phòng chức năng và khu phụ trợ sạch sẽ. Tuy nhiên, các phòng chức năng ở đây vẫn còn trong tình trạng trống rỗng do chưa được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cần thiết, phù hợp.  

Thị xã An Khê có 8/11 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn giai đoạn 2001-2010 và 3 trạm (xã Xuân An, phường An Phước, phường Ngô Mây) được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, trong 8 trạm đã hoàn thành giai đoạn 1 thì có 5 trạm chưa được đảm bảo về cơ sở vật chất. Các trạm y tế xã Cửu An, Tú An, Thành An, Song An chưa đảm bảo được diện tích mặt bằng, diện tích xây dựng và sử dụng của khối nhà chính từ 150 m2 trở lên đối với khu vực thành thị và 250 m2 trở lên đối với khu vực nông thôn. Trạm Y tế phường Tây Sơn bị xuống cấp, hư hỏng ở khối nhà chính, không đủ phòng chức năng để phục vụ khám bệnh. Đáng chú ý hơn, hai trạm y tế xã Song An và Thành An chưa có nguồn nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải y tế theo quy định.

Cái khó của y tế vùng sâu

 

Nhiều trạm y tế vẫn còn thiếu về nhân lực, máy móc.   Ảnh: P.L
Nhiều trạm y tế vẫn còn thiếu về nhân lực, máy móc. Ảnh: Phương Linh

Toàn huyện Kbang có 2 trạm y tế trung tâm và 12 trạm y tế xã với gần 80 cán bộ y-bác sĩ. Hiện nay, các trạm y tế nằm ở các xã vùng sâu như Krong, Đak Smar, Đak Rong, Kon Pne vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trạm Y tế xã Krong (huyện Kbang) đã được trang bị máy tạo ôxi, máy súc rửa dạ dày nhưng ít khi được sử dụng. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Krong cho biết: “Để đạt chuẩn quốc gia thì cần được bổ sung nhiều, trong đó quan trọng nhất là máy siêu âm và máy xét nghiệm máu. Có được hai thiết bị này, người dân sẽ không phải đi quá xa để khám. Ngoài ra, tiêu chuẩn của một trạm y tế xã là có 7 nhân sự, trong khi chúng tôi chỉ có 5 người.
 

Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo đánh giá của ngành Y tế, tiến độ xây dựng các trạm y tế đạt chuẩn tiêu chí quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm và còn nhiều hạn chế. Tại một số xã, công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân còn chưa đảm bảo, cơ sở hạ tầng và trang-thiết bị còn thiếu nên rất khó đạt các tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Sở  Y tế đã có văn chỉ đạo các trung tâm y tế cấp huyện tiến hành đánh giá lại thực trạng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương dựa trên các tiêu chí quy định hiện hành đồng thời bám sát vào tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã 2011-2020.

Trạm Y tế xã Ia Mơr (huyện Chư Prông)  cũng đã có tương đối đầy đủ các trang-thiết bị khám-chữa bệnh như máy đo huyết áp, đo nhiệt độ, thiết bị khám phụ khoa, sản khoa, kính hiển vi soi lam để xét nghiệm máu,… Tuy nhiên, theo y sĩ Phạm Thị Thư Loan-quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Mơr thì trạm vẫn thiếu máy siêu âm do chưa có bác sĩ.

Cùng với những thiếu hụt về máy móc, nhân sự thì sự bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trở ngại đối với các y-bác sĩ tại các trạm y tế xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Y sĩ Lê Anh Tú công tác ở Trạm Y tế xã Krong (huyện Kbang) cho biết: “Mặc dù đã được học qua các lớp tiếng Jrai, Bahnar nhưng rất khó để chúng tôi giao tiếp với người dân bởi ngôn ngữ học khá khác với ngôn ngữ mà bà con nói thường ngày. Mỗi lần muốn tuyên truyền vấn đề nào đó, chúng tôi lại phải nhờ một người thạo cả hai thứ tiếng để nói chuyện cho bà con hiểu rõ”. Ngoài ra, các thôn làng lại nằm rải rác, cách xa nhau nên mỗi lần đi xuống thôn làng để tuyên truyền hay khám-chữa bệnh cho bà con là một lần vất vả. Để vào được tận thôn 5 của xã Krong, các nhân viên ở đây phải vượt qua quãng đường hơn 30 km gập ghềnh, khúc khuỷu.

Trò chuyện với chúng tôi về những khó khăn trong công tác y tế cơ sở, y tá Lê Thị Hoan-nhân viên Trạm Y tế xã Đak Smar (huyện Kbang) nói: “Chúng tôi mong muốn ngành và địa phương quan tâm đầu tư, hoàn thiện hơn nữa về hệ thống phòng chức năng, phương tiện khám và thuốc điều trị cho các trạm y tế tuyến cơ sở để có thể phục vụ bà con tốt hơn nữa. Đồng thời cũng mong muốn Sở Y tế sẽ mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho chúng tôi được học hỏi, trau dồi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ”.

Theo Báo Gia Lai