Ban Nội chính Tỉnh ủy: Nâng cao vai trò tham mưu thực hiện công tác phòng-chống tham nhũng

08/05/2014 01:38 PM


Sau gần một năm kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động (ngày 4-6-2013), đến nay Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, các cấp, đồng thời nắm bắt thông tin làm đầu mối trong công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng.

Sau gần một năm kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động (ngày 4-6-2013), đến nay Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, các cấp, đồng thời nắm bắt thông tin làm đầu mối trong công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng.
 

Ảnh: Lương Thanh
Ảnh: Lương Thanh

Để có cơ sở tăng cường nắm tình hình công tác nội chính, công tác phòng-chống tham nhũng và tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những vụ việc, vụ án phức tạp, nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, đến nay Ban Nội chính đã làm việc với 17/17 Huyện, Thị, Thành ủy, 4 cơ quan khối nội chính tỉnh (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án) và một số sở, ngành. Trên cơ sở đó, Ban Nội chính tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 6 quy chế phối hợp với Đảng ủy Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Đảng Đoàn Hội đồng Nhân dân tỉnh và 1 quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính với các Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng-chống tham nhũng.

Đồng thời, Ban Nội chính cũng đã tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, các cơ quan chuyên trách và tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính, công tác phòng-chống tham nhũng cho lãnh đạo văn phòng, cán bộ, công chức phụ trách theo dõi công tác nội chính, phòng-chống tham nhũng của 17 Huyện, Thị, Thành ủy, 5 Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính tỉnh. Trên cơ sở đó giúp cho cán bộ, công chức phụ trách nâng cao nghiệp vụ, kịp thời xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; nắm bắt tình hình khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn trong dân cũng như tình hình, công tác đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt trong thời gian qua, Ban Nội chính đã có ý kiến xung quanh một số vụ án được dư luận quan tâm như: Vụ án Công ty Xuất nhập khẩu Gia Lai qua 10 năm nay vẫn còn trong giai đoạn tố tụng, vụ án Võ Thị Kim Chung lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vụ án Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Bình An lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhiều ban quản lý…

 

Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong năm 2013 và quý I-2014, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiếp 21 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận 166 đơn/132 vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có 56 đơn/48 vụ khiếu nại, 51 đơn/43 vụ tố cáo, 51 đơn/39 vụ kiến nghị. Ban đã tham mưu ban hành văn bản chuyển 80 đơn/80 vụ đến các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết theo thẩm quyền, số còn lại lưu đơn do đơn trùng, đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết; tiếp nhận, đề xuất xử lý 13 đơn liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng, trong đó, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 7 đơn, lưu 3 đơn, tiến hành xác minh đề xuất xử lý 3 đơn.

Ngoài ra, Ban Nội chính cũng đã chủ động phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan để tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tiến hành sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác tôn giáo...; nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng-chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; công tác thi hành án và các tranh chấp khác... Tham mưu Thường trực Tỉnh ủy có văn bản báo cáo Ban Nội chính Trung ương và Bí thư Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét giải quyết một số vụ việc có đơn khiếu nại theo thẩm quyền; chỉ đạo các cơ quan chức năng ở tỉnh tập trung giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài. Làm việc với các địa phương và các cơ quan nội chính tỉnh về công tác nội chính và phòng-chống tham nhũng, đôn đốc giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp, có đơn thư kéo dài trong hoạt động khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, công tác thi hành án và các tranh chấp khác... nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và ngăn chặn, hạn chế tình trạng tham nhũng xảy ra ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

 

Theo Báo Gia Lai