Nâng cao kiến thức pháp luật cho nông dân

05/05/2014 07:26 AM


Được Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh chọn xây dựng điểm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” từ năm 2007, đến nay, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) luôn phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tham gia giải quyết các vụ khiếu nại, tranh chấp… góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Được Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh chọn xây dựng điểm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” từ năm 2007, đến nay, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) luôn phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tham gia giải quyết các vụ khiếu nại, tranh chấp… góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Quản Văn Dựng-Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Nghĩa Hưng, cho biết: Câu lạc bộ gồm có 50 thành viên, đều là những người có uy tín ở các chi hội nông dân và trưởng một số ban, ngành, đoàn thể của xã…

 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

Ngoài ra, ở mỗi chi hội đều có từ 2 đến 3 cộng tác viên là những hội viên nòng cốt dưới cơ sở. Câu lạc bộ thường xuyên duy trì sinh hoạt theo quý và nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương có liên quan trực tiếp đến nông thôn và nông dân. Qua các buổi sinh họat, câu lạc bộ đã trang bị cho hội viên một số kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giao thông đường bộ, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số,… giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Cũng trong các buổi sinh hoạt, các buổi tọa đàm, hội thảo, câu lạc bộ còn phát động hội viên thực hiện 3 phong trào trọng tâm của công tác Hội: nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh; đồng thời, đây cũng là diễn đàn để hội viên có dịp trao đổi kinh nghiệm hay trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng mô hình...

Những năm qua, câu lạc bộ đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa màu, các biện pháp bảo vệ thực vật hiệu quả và quy trình sản xuất rau an toàn cho hơn 3.000 lượt hội viên. Bên cạnh đó, trong các đợt sinh hoạt, hội viên có dịp được tư vấn, giải đáp những thắc mắc về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục xin cấp phép xây dựng kinh tế trang trại…

Cũng theo ông Quản Văn Dựng, từ năm 2007 đến nay, Câu lạc bộ  đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 61 buổi, trợ giúp pháp lý được 31 buổi, phối hợp hòa giải 14 vụ. Hai năm trở lại đây, ngoài việc tuyên truyền phổ biến các văn bản mới có liên quan trực tiếp đến nông dân, câu lạc bộ còn tập trung triển khai một số nội dung liên quan đến công tác phòng-chống tội phạm, góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc… ở một số thôn, làng.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp thu các văn bản, quy định mới cũng như kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi… câu lạc bộ còn xây dựng tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách các loại, từ sách hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, như: sổ tay nuôi gà; hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim cút; trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cam-quýt-bưởi-chanh; kỹ thuật nuôi cá chép-cá mè; trồng hoa lan; nuôi trâu bò ở nông hộ và trang trại… đến các sách về: Luật Khiếu nại Tố cáo; Luật Giao thông Đường bộ; Pháp luật về Đất đai; Luật Bảo hiểm… và sách về chăm sóc con cái, sức khỏe: chăm sóc con em ở nơi xa thầy thuốc; bí quyết sống lâu bằng dưỡng sinh và chế độ ăn uống; trị bệnh phong thấp; tập luyện trị đau lưng…

Nông dân Lê Đình Chiến-chi hội 10, được xem là người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây cà phê và nuôi cá, thế nhưng “bí quyết” của ông lại nằm ở những cuốn sách gối đầu giường hướng dẫn về cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và chăn nuôi. Nông dân Lê Đình Chiến chia sẻ, bây giờ trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải dựa vào khoa học kỹ thuật, nếu chỉ đơn thuần làm theo kinh nghiệm thì khi có dịch bệnh xảy ra rất khó để cứu vãn.

“Tủ sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các thành viên trong câu lạc bộ mà đông đảo người dân đều có thể tìm đọc để nâng cao nhận thức về pháp luật, cũng như các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống… Từ khi có câu lạc bộ và tủ sách pháp luật, các vụ mâu thuẫn, khiếu nại trên địa bàn đã được giảm bớt-nhất là mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai thường được giải quyết ngay từ cơ sở, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp”-ông Dựng cho hay.

Theo Báo Gia Lai