Niên vụ cà phê 2014:Nông dân sản xuất quy mô nhỏ thiếu kinh phí tái đầu tư

14/02/2014 07:52 AM


Mùa tưới cà phê năm nay nông dân không lo chống hạn như năm trước vì lượng nước tại các sông, suối, ao, hồ được đảm bảo; không xảy ra tình trạng khan hiếm lượng xăng, dầu cung ứng nhu cầu bơm tưới cà phê. Tuy vậy, giá cà phê xuống thấp, nông dân trữ hàng chờ giá lên nên gặp khó khăn về kinh phí tái đầu tư cho vườn cây.

Mùa tưới cà phê năm nay nông dân không lo chống hạn như năm trước vì lượng nước tại các sông, suối, ao, hồ được đảm bảo; không xảy ra tình trạng khan hiếm lượng xăng, dầu cung ứng nhu cầu bơm tưới cà phê. Tuy vậy, giá cà phê xuống thấp, nông dân trữ hàng chờ giá lên nên gặp khó khăn về kinh phí tái đầu tư cho vườn cây.
 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Hiện tại đang là thời cao điểm tưới cà phê đợt I, có vườn tưới đợt II. Năm nay, nông dân trồng cà phê đan xen nhiều cảm xúc khác nhau: người vui do được mùa, không lo thiếu nước, có người chạy đôn chạy đáo vay mượn để có kinh phí tái đầu tư cho vườn cây.

Cà phê rớt giá, hầu hết nông dân đều trữ hàng chờ giá lên mới xuất bán hoặc ký gởi cho các đại lý thu mua mà chưa cắt giá. Giá cà phê sụt giảm làm cho hầu hết những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn trong vụ tưới năm nay. Những người có điều kiện thì còn xoay xở kiếm tiền để đầu tư tái canh vườn cà phê. Còn các gia đình mới lập nghiệp hoặc điều kiện kinh tế khó khăn thì canh cánh nỗi lo không có tiền để tái đầu tư cho vườn cây. Anh Huỳnh Hữu Thái (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho hay: Không bán được cà phê nhưng mùa tưới đến không thể bỏ được. Tưới nước có ý nghĩa quyết định để cà phê ra hoa tập trung và đậu trái. Không bán được cà phê nên tôi đành phải mượn tiền của anh trai để mua phân bón, xăng dầu để bơm tưới đợi giá cà phê lên bán trả sau.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Thông thường, ngay sau khi kết thúc thu hoạch của vụ năm trước cần phải bón phân kết hợp tỉa cành tạo tán và sửa bồn. Giai đoạn này cần có phân hữu cơ, phân lân và một lượng NPK để phục hồi cho đất vừa trẻ hóa vườn cây. Do đó kinh phí đầu tư lớn song không có tiền một số gia đình đành đợi đến mùa mưa mới bón phân. Ông Puih Mlinh (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) nói: “Với 1,8 ha cà phê, vụ vừa qua tôi thu hoạch trên 5,5 tấn cà phê khô, nhưng đến nay vẫn không bán được do giá cà phê ở mức thấp. Cứ mỗi đợt tưới cho vườn cà phê tốn trên 2 triệu đồng tiền dầu. Tôi phải vay của đại lý mua cà phê 3 triệu đồng để mua dầu tưới nước đợt này. Trước mắt chỉ lo tiền tưới, còn việc bón phân, phun thuốc phải đợi đến mùa mưa. Chỉ có một số ít nông dân có điều kiện kinh tế khá giả tích góp từ những năm trước thì sử dụng đồng vốn này để tái đầu tư cho niên vụ sau. Ông Châu Văn Thắng-một người trồng cà phê lâu năm tại Ia Sao cho biết: “Một năm mới thu hoạch một lần, chi phí đầu tư lớn do giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao trong khi giá cà phê lại thấp. Bán cà phê trong thời điểm hiện tại thì không có lãi bao nhiêu. Gia đình tôi chờ giá lên mới bán. Tiền tích góp từ trước sẽ được dùng để đầu tư vụ cà phê năm nay”.

Qua tìm hiểu được biết, rất nhiều nông hộ trồng cà phê phải nhờ vào sự “tiếp sức” bằng hình thức ứng trước tiền của các đại lý thu mua cà phê để có tiền tái đầu tư. Đến vụ thu hoạch, thanh toán các khoản nợ nần xong lại ứng tiếp để tái đầu tư mới, nhất là các hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì “vòng quay” này đã quen từ lâu và không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Trong khi đó, số hộ sản xuất nhỏ lẻ với quy mô dưới 1 ha chiếm tỷ lệ lớn. Do đó vấn đề tích lũy vốn để tái đầu tư cho niên vụ sau là một vấn đề rất khó khăn.

Theo Báo Gia Lai