Tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp

24/01/2014 07:30 AM


Theo nguồn của Tổng cục Thống kê thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Mức tăng trưởng năm 2013 thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra, nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi.

Theo nguồn của Tổng cục Thống kê thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Mức tăng trưởng năm 2013 thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra, nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi.
 

Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa

Ước tính năm 2013 có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 ngàn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.

Nhận thấy những khó khăn của nền kinh tế nước ta nên Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thị trường trong thời gian qua để tháo gỡ hàng tồn kho, miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, cứu thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu ngân hàng… Tuy vậy, việc triển khai vẫn còn chậm, tính đồng bộ và hiệu quả đem lại chưa rõ rệt.

Mở đầu cho một năm mới, trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 1-1-2014 đã có những quyết sách nhằm phục hồi và phát triển sản xuất, trong đó chú trọng việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây là tín hiệu mang lại sự tin tưởng cho doanh nghiệp. Hy vọng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ khởi sắc hơn.

Đối với Gia Lai, khi bắt đầu thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2013 và lường trước những khó khăn nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kế hoạch, cùng với doanh nghiệp trong tỉnh và nhân dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tìm các giải pháp tối ưu để khắc phục. Nhờ đó, các ngành kinh tế trong tỉnh đã đem lại kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2013. Theo đó, kết thúc năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,3%, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,53%; công nghiệp-xây dựng tăng 12,66%; dịch vụ tăng 16,15% (năm 2012 đạt 12,9%, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,29%; công nghiệp xây dựng tăng 16,35%; dịch vụ tăng 15,26%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 40,24%, công nghiệp-xây dựng chiếm 32,04%, dịch vụ chiếm 27,72%. GDP bình quân đầu người đạt 30,23 triệu đồng (tương đương 1.440 USD), tăng 15,56% so với năm 2012, thu ngân sách đạt chỉ tiêu 3.600 tỷ đồng; tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt 2,93% tương đương với 8.330 hộ; giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động.

Trải qua nhiều thời kỳ đầy sóng gió do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ những năm 2009, 2010; đến năm 2013 được xem là năm khó khăn nhất. Và cũng từ đó doanh nghiệp mới thấy rõ hơn những mặt mạnh, mặt yếu của mình để có những chuẩn bị cần thiết cho kỳ phát triển mới mà theo quy luật chu kỳ sau sẽ có tốc độ phát triển nhanh hơn, quy mô lớn hơn chu kỳ trước.

 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014, tỉnh Gia Lai cũng đã đề ra các chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển chủ yếu là: tốc độ tăng GDP đạt 12,5%, trong đó: nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,04%, công nghiệp-xây dựng tăng 13,15%, dịch vụ tăng 17,53%; cơ cấu kinh tế: nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 38,44%, công nghiệp-xây dựng chiếm 32,43%, dịch vụ chiếm 29,13%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 13.200 tỷ đồng, tăng 15,9% so với thực hiện năm 2013; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.250 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp (giá so sánh năm 1994) 9.425 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thực hiện năm 2013; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 1994) 8.386 tỷ đồng, tăng 11,35%.

Để từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, với vai trò là động lực cho sự phát triển, các doanh nghiệp đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển sản xuất… định hướng kinh tế ngắn và trung hạn có thể tiếp cận như sau:

Một là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa… Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng đặc biệt các gói kích cầu của Chính phủ để duy trì và thúc đẩy sản xuất phát triển. Triển khai có hiệu quả quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, có các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu giúp cho các doanh nghiệp có thể hồi sinh sau hậu quả nặng nề của suy thoái kinh tế.

Hai là, áp dụng các đòn bẩy kinh tế tổng hợp như tín dụng cho sản xuất, có chính sách khuyến khích đầu tư thích hợp cho các cơ sở chế biến, các khu-cụm công nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ trong tổng số các doanh nghiệp và tổng thể các ngành kinh tế chung của tỉnh; có các chính sách khuyến khích để tạo sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của từng ngành.

Ba là, các ngân hàng thương mại cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc vốn và tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có các khoản vay bắc cầu để đầu tư dài hạn cần giải quyết để tránh nợ đọng. Tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định của những món nợ trước đây vay với lãi suất cao. Việc tăng trưởng tín dụng phải đồng thời với việc sắp xếp thứ tự, ưu tiên cho lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và đặc biệt ưu tiên ngành nghề có hiệu quả cao, tích cực trong việc giảm hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu.

Bốn là, tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành để có nhiều ưu thế cạnh tranh.

Năm là, thúc đẩy việc phát triển thị trường, trong đó có thị trường Gia Lai, các vùng miền lân cận, thị trường trong nước và thị trường thế giới. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển đồng bộ. Đồng thời tiếp tục khai khác tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như: cao su, cà phê, tiêu… Đặc biệt là các thị trường tiềm năng, có sức tiêu thụ lớn, mang lại hiệu quả cao.

Năm 2014 là năm hết sức quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2010-2015. Các doanh nghiệp đã trải qua nhiều gian nan, thử thách nên đã tạo cho mình những bản lĩnh vững vàng trong nền kinh tế thị trường vốn có nhiều rủi ro và cạnh tranh gay gắt. Năm Giáp Ngọ-“Mã đáo thành công” chắc chắn chúng ta đầy đủ kinh nghiệm để hoàn thành được các định hướng và chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển trong thời kỳ mới.

TS. Lê Đức Tánh
(Thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh)

Theo Báo Gia Lai