Nhân lên tình yêu với nhạc cụ dân tộc
13/12/2013 07:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mỗi tuần một lần, các em học sinh trường THCS dân tộc nội trú huyện Đức Cơ lại có thêm một tiết học nhạc cụ do cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện trực tiếp giảng dạy. Vì thế, đàn t’rưng, đàn đá, đàn k’ní, k’lông put (nhạc điệu và bass) đều được các em chơi rất thành thạo. Không những thế, nhà trường đã thành lập một đội nhạc cụ dân tộc dành cho học sinh biểu diễn khắp nơi.
Mỗi tuần một lần, các em học sinh trường THCS dân tộc nội trú huyện Đức Cơ lại có thêm một tiết học nhạc cụ do cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện trực tiếp giảng dạy. Vì thế, đàn t’rưng, đàn đá, đàn k’ní, k’lông put (nhạc điệu và bass) đều được các em chơi rất thành thạo. Không những thế, nhà trường đã thành lập một đội nhạc cụ dân tộc dành cho học sinh biểu diễn khắp nơi. Là ngôi trường có 100% học sinh người dân tộc thiểu số, bên cạnh việc dạy văn hóa, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo lưu và truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho học sinh. Ngoài những giờ học chính khóa, các em học sinh còn có thêm những giờ ngoại khóa về các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Tham gia tiết học này, học sinh sẽ được tiếp xúc trực tiếp với từng loại nhạc cụ truyền thống, được tìm hiểu cặn kẽ cấu tạo, ý nghĩa của chúng. Điều khiến các em háo hức nhất chính là việc được học cách sử dụng, tự tay đánh lên từng làn điệu của đồng bào mình. Giữa khoảng sân trường rộng, sau khi sắp xếp, bày biện nhạc cụ, gần 20 em học sinh người chọn t’rưng, người chọn k’lông put, nhanh chóng vào vị trí, sẵn sàng cho bản hòa tấu nhạc điệu bài “Hát mừng anh hùng Núp” trước hàng trăm con mắt hào hứng của các bạn khác trong trường. Mới tham gia được 2 buổi tập nhưng em Rah Lan Y H’Nhan (lớp 7) đã đánh thành thạo đàn k’lông put. Em tươi cười: “Em rất thích học nhạc cụ dân tộc. Hiện tại em đã đánh được k’lông put, sắp tới em muốn mình sẽ chơi thành thạo đàn t’rưng và một số loại nhạc cụ khác”. Cũng giống như H’Nhan, em Rah Lan H’Nhung (lớp 7) rất háo hức, mong chờ đến tiết học nhạc cụ để lại được tiếp xúc với đàn, được thầy giáo chỉ cho cách đánh. Có lẽ, gắn bó lâu dài với lớp học nhạc cụ này nhất là Rah Lan Chang (lớp 9). Nhìn cách em say sưa với từng nốt nhạc, từng phím gõ trên chiếc đàn đá hay đàn t’rưng mới thấy được niềm yêu thích của Chang. Đến nay, Chang đã chơi thành thạo được cả 3 loại nhạc cụ là đàn đá, đàn t’rưng và k’lông put. Chang tâm sự: “Ở đây đều là các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Jrai. Em thấy rất vui khi các thầy cô quan tâm, tạo điều kiện cho em được học cách sử dụng các loại nhạc cụ này thành thạo để nhắc chúng em ghi nhớ về bản sắc của đồng bào mình”. Thích thú trước màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các em học sinh, anh Siu Ben-một phụ huynh (33 tuổi, làng Ghè, xã Ia Dơk), gật gù: “Tôi rất thích khi con tôi được trường cho tham gia những tiết học ý nghĩa như thế này. Từ đó giúp con tôi hiểu, yêu thêm và có ý thức gìn giữ được truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình”. Đến nay, cùng với đội múa xoang, đội học sinh biểu diễn nhạc cụ dân tộc của trường đã lên tới hơn 50 em học sinh. Gần đây nhất, các em được tham gia biểu diễn trong Đại hội Thể dục Thể thao huyện Đức Cơ trước sự trầm trồ, thán phục của trường bạn. Thầy Phạm Văn Lê-Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: “Giúp các em học sinh ý thức và yêu thêm bản sắc văn hóa của mình là một trong những nhiệm vụ được nhà trường coi trọng, vì thế chúng tôi mở các lớp học nhạc cụ dân tộc. Yêu thích môn học này, có nhiều em học sinh mặc dù còn nhỏ nhưng học rất nhanh. Trong thời gian tới, cùng với bộ cồng chiêng mà Hội Phụ huynh vừa mua tặng, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lớp học này để các em được tập và sử dụng thành thạo hơn nữa nhạc cụ của dân tộc mình”.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024