Tôn vinh giá trị văn hóa Tây Nguyên
25/11/2013 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 18 đến 24-11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), đoàn nghệ nhân Gia Lai tham gia nhiều tiết mục văn hóa đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Ba mươi mốt nghệ nhân của làng Né (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) là những đại diện cho văn hóa dân tộc Jrai tham gia vào ngày hội đại đoàn kết các dân tộc. Đây cũng chính là đội nghệ nhân có những tiết mục độc đáo, phong cách trình diễn ấn tượng, được xếp thứ hạng cao tại hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), người trực tiếp dẫn đoàn đi cho biết: “Ngoài trình diễn trong đêm khai mạc, đoàn nghệ nhân Gia Lai còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trong tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” như: lễ khai mạc trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên, khai mạc không gian văn hóa phiên chợ vùng cao phía Bắc, chợ nổi Nam bộ, khánh thành quần thể chùa Khmer, khai mạc không gian giới thiệu làng nghề thủ công truyền thống… Ở mỗi hoạt động, đoàn chọn 1-2 tiết mục trình diễn”. Đặc biệt, trong ngày trình diễn giao lưu đoàn kết các dân tộc diễn ra tại làng Jrai (mỗi dân tộc có làng riêng trong khu vực Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam-P.V), đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đoàn nghệ nhân, du khách trong và ngoài nước. Có hàng ngàn người đến xem các tiết mục của đoàn nghệ nhân Gia Lai và vô cùng thích thú, ấn tượng với phong cách trình diễn của các nghệ nhân.
“Theo yêu cầu của mọi người, các nghệ nhân Gia Lai đã trình diễn lại lần hai các tiết mục mới làm họ thỏa mãn. Đây là thành công lớn của đoàn khi tham gia ngày hội đại đoàn kết các dân tộc và tôn vinh di sản văn hóa. Các nghệ nhân đã góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên một cách thuyết phục”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân nói. Các tiết mục đoàn nghệ nhân Gia Lai lựa chọn giới thiệu tại Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” gồm: trích đoạn “Lễ ăn trâu mừng được mùa”; trích đoạn “lễ Pơ thi”; trích đoạn cồng chiêng “Đón khách”; múa “Được mùa” hay đơn ca “A Jin làm theo lời Bác” hát lời mới trên nền nhạc dân ca Jrai, kêu gọi thanh niên làm theo lời Bác, phát huy sức trẻ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tiết mục gây nhiều ấn tượng là màn độc tấu nhạc cụ dân tộc của 25 nghệ nhân. 4 nghệ nhân nữ sử dụng đàn T’rưng, còn lại 21 nghệ nhân nam sử dụng hầu hết các nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên, trong đó có những nhạc cụ được sử dụng trong lao động hàng ngày như T’rưng đuổi chim. Tăng hiệu ứng để mang đến thành công cho các tiết mục mang đậm hơi thở dân gian dân tộc của đoàn nghệ nhân chính là không gian làng Jrai được tái hiện nguyên bản với nhà rông, nhà dài mang đặc trưng kiến trúc nhà ở Jrai. Trang phục truyền thống, đạo cụ, đồ dùng sinh hoạt thường nhật của đồng bào Jrai cũng gây thích thú đối với du khách. Mặt khác, thành công của đoàn Gia Lai còn bởi sự tập luyện nghiêm túc của từng nghệ nhân. Hơn nữa, Trung tâm văn hóa-thông tin huyện Chư Prông khi dàn dựng chương trình rất quan tâm, tôn trọng các yếu tố văn hóa của dân tộc Jrai. Đây cũng là đoàn nghệ nhân nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo huyện Chư Prông ngay từ những ngày đầu tập luyện. Trước ngày lên đường, Chủ tịch UBND huyện Bùi Viết Hội đã xuống tận làng động viên, dặn dò bà con bằng tiếng Jrai việc giữ gìn kỷ luật, quảng bá hình ảnh, để không chỉ giới thiệu bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào Jrai mà còn góp phần củng cố mối đại đoàn kết các dân tộc thông qua hoạt động giao lưu với các đoàn nghệ nhân đại diện cho 54 dân tộc anh em.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024