Tuyển dụng lao động người DTTS vào làm công nhân cao su ở Gia Lai:Từ chủ trường đến thực tế (Bài 2)

12/11/2013 07:59 AM


(GLO)- “Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện cam kết ban đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vật chất cho địa phương. Tuy nhiên, tập trung vào vấn đề tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số (DTTS) vào làm việc dài hạn thì nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết”- bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết.

New Page 1

Bài 2: Doanh nghiệp đồng hành với người lao động dân tộc thiểu số?

 (GLO)- “Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện cam kết ban đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vật chất cho địa phương. Tuy nhiên, tập trung vào vấn đề tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số (DTTS) vào làm việc dài hạn thì nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết”- bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết.

Chú trọng thực hiện cam kết

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 20 doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, bao gồm 3 doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 5 doanh nghiệp của Binh đoàn 15 và 12 doanh nghiệp dân doanh (có 3 doanh nghiệp thuộc tỉnh khác).

 

Khu nhà ở của công nhân Công ty 72. Ảnh: Nguyễn Giác
Khu nhà ở của công nhân Công ty 72. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tính đến tháng 9-2013, các doanh nghiệp đang sử dụng 1.564 lao động người DTTS tại chỗ làm việc dài hạn trong vùng dự án. Trong đó có 763 lao động đã được tuyển dụng dài hạn và 801 lao động đang làm việc thời vụ. Tiền lương bình quân mỗi tháng của lao động có hợp đồng dài hạn là hơn 4,2 triệu đồng/người; công lao động thời vụ bình quân là 135.000 đồng/công.

Cũng theo bà Thanh, trong tổng số 5.522 lao động đang làm việc trong vùng dự án, số lao động người DTTS tại chỗ chiếm 30%. Nếu xét riêng 2.171 lao động dài hạn thì người DTTS chiếm 35,14%. Con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với chủ trương của tỉnh, tức lao động người DTTS tại chỗ phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50%. Tuy thế, phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện cam kết ban đầu khi nhận dự án, tích cực phối hợp với địa phương trong việc tuyên truyền, vận động và tuyển dụng được lượng lớn người DTTS tại chỗ vào làm công nhân.

Nói về quá trình tuyển dụng của đơn vị mình, ông Lê Đức Tánh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, cho hay: Trước khi triển khai dự án tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), Công ty được xem là đơn vị có số lao động người địa phương tại chỗ nhiều nhất trong khu vực với hơn 1.800 công nhân. Khi dự án bắt đầu, Công ty được giao 4.000 ha rừng nghèo để trồng 2.200 ha và đã hoàn thành vào năm 2010. Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu, tuyển dụng người DTTS ở đó vào làm công nhân, nhằm mục đích giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, đến nay, số công nhân DTTS đều được nhận khoán vườn cây lâu dài (vườn cây kiến thiết cơ bản từ 5 đến 7 ha/hộ và sau này cao su khai thác là 3 ha/hộ).

Với 2 đơn vị sản xuất được thành lập trong vùng dự án (đội 20, 21) tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), tính đến nay, Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã tuyển 187 lao động, trong đó có 48 người là DTTS (26 hợp đồng dài hạn). “Toàn Đội 20 có 32 công nhân người địa phương trong tổng số 105 lao động, chủ yếu ở hai làng Ó và Bi. Để việc tuyên truyền, vận động bà con trong làng vào làm cao su đạt hiệu quả, ngoài phối-kết hợp với chính quyền địa phương, chúng tôi cho hai công nhân giỏi thuộc hai làng làm tổ trưởng quản lý và giúp đơn vị trong công tác này. Hiện các vườn cây đều trong giai đoạn kiến thiết, thu nhập của công nhân vào khoảng 3-5 triệu đồng/tháng”- anh Trần Đức Huệ-Đội trưởng Đội 20, nói.

Bên cạnh tuyển dụng lao động, việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng dự án phục vụ cho người lao động như trụ sở làm việc, nhà ở tập thể, giếng nước, điện thắp sáng… cũng được các doanh nghiệp tích cực thực hiện. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thường xuyên mở các lớp đào tạo tay nghề cho lao động, nhất là người dân tộc thiểu số.

Còn nhiều khó khăn, bất cập

 

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy tinh chế mủ tại xã Ia Puch. Ảnh: Nguyễn Giác
Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy tinh chế mủ tại xã Ia Puch. Ảnh: Nguyễn Giác

Nhớ lại buổi đầu nhận việc và tuyển dụng công nhân với những khó khăn chồng chất, ông Lê Văn Hải-Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn Nông trường cao su Ia Pêch (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah)- bộc bạch: Năm 1997, Công ty khai hoang 296 ha và để đảm bảo kế hoạch đề ra, Ban Quản lý phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch về nhân sự, tuyển dụng công nhân. Đây là công việc khó nhất bởi nhiều thanh niên lúc bấy giờ chưa một lần biết đến cây cao su là gì, chăm sóc cây có giống trồng lúa, trồng bắp không. Và rồi, sau một thời gian phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức họp dân, vận động cũng như đưa ra các kế hoạch, công việc cụ thể, chúng tôi đã tuyển dụng được 60 công nhân đầu tiên.

Năm 1998, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích, trồng thêm 1.200 ha. Lúc này việc tuyển dụng có thuận lợi hơn trước, người dân đã biết và ham việc thay vì tỏ ra không thích người lạ vào làng… Cũng theo ông Hải, hiện Nông trường này có 614 công nhân. Trong đó, công nhân là người DTTS sinh sống tại địa phương chiếm 56% và họ được đánh giá cao bởi sự siêng năng, chịu khó cũng như luôn nỗ lực trong lao động, sản xuất.

 

Làng công nhân của công ty. Ảnh: Nguyễn Giác
Làng công nhân của công ty. Ảnh: Nguyễn Giác

Tuy vậy, theo bà Thanh, việc tuyển dụng lao động DTTS vào làm dài hạn thì phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo đúng cam kết. Đến nay, chỉ có Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện Chư Prông lâu năm, có nhiều kinh nghiệm hơn trong tuyển dụng lao động ở vùng dự án và được sự tín nhiệm của người dân trong vùng-là đã hoàn thành cam kết tuyển dụng lao động với tỉnh. Theo đó, đơn vị đã tuyển đủ lao động với số lao động người DTTS chiếm 58% trong tổng số lao động. Một số doanh nghiệp thuộc Binh đoàn 15 cũng tuyển số lượng lao động dài hạn đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc vườn cây trong thời gian kiến thiết cơ bản nhưng phần lớn lại là lao động người Kinh ở tỉnh khác và DTTS phía Bắc di cư vào. Các doanh nghiệp còn lại mới tuyển dụng được rất ít lao động dài hạn, đạt rất thấp so với cam kết.

Lý giải cho thực trạng trên, nhiều chủ doanh nghiệp đưa ra một số khó khăn nhất định. Đó là: Nhận thức của bà con về làm việc ổn định lâu dài trong vùng dự án còn có sự hạn chế; nhiều người thích làm việc thời vụ, nhận lương hàng ngày hơn là vào làm việc lâu dài, đến tháng mới nhận lương; các dự án ở xa khu dân cư, cơ sở vật chất ở vùng dự án phục vụ cuộc sống như nhà ở, điện thắp sáng, đường sá, trường học, trạm y tế và khu sinh hoạt văn hóa còn thiếu thốn nên bản thân người DTTS tại chỗ chưa muốn vào làm việc… Ngoài ra, phong tục, tập quán của đồng bào địa phương cũng gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, bởi một khi ở làng có việc thì tất cả công nhân tại làng đó đều nghỉ làm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công việc đã giao khoán, nhất là vào mùa cao điểm.

Hơn nữa, đặc thù cây cao su có thời gian chăm sóc dài trước khi đi vào khai thác, thời gian kiến thiết cơ bản từ 5 năm đến 7 năm, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp không nhiều, phần lớn là vốn vay, công việc lại theo mùa vụ nên nhu cầu tuyển dụng lao động dài hạn của các doanh nghiệp không cao. Bên cạnh đó, giá cả sản phẩm cao su hiện nay thấp cũng ảnh hưởng đến chủ trương tuyển dụng lao động của các đơn vị.

Một số nơi vì thiếu lao động nên phải tuyển ở những vùng lân cận. Điển hình, theo cam kết, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah phải tuyển dụng 400 công nhân là người DTTS tại chỗ nhưng hiện tại mới chỉ tuyển được 100 lao động vì thiếu người. Số còn lại, đơn vị đã nhờ huyện giúp tuyển dụng tại một số xã lân cận, tuy nhiên đến nay số công nhân tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói về tay nghề của người lao động DTTS, ông Tánh chia sẻ: “Trồng, chăm sóc cây cao su thì dễ, tuyển dụng công nhân làm công việc này cũng đơn giản và họ làm rất tốt. Tuy nhiên, khi vườn cây đến giai đoạn mở miệng, phải cạo vỏ để cây cho mủ thì bà con lại lúng túng dù đã được tập huấn, hướng dẫn rất kỹ. Tức công việc thiên về sức lực thì họ làm tốt, còn thiên về kỹ năng thì họ chậm hơn. Trong đó, dân tộc Jrai vẫn nhanh nhẹn và có tay nghề hơn người Bahnar”.

Theo Báo Gia Lai