Hướng tới một nền giáo dục phát triển toàn diện

03/09/2013 07:07 AM


Năm học 2013-2014-năm học bản lề thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, triển khai Chương trình hành động của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) giai đoạn 2011-2016 và Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.

Năm học 2013-2014-năm học bản lề thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, triển khai Chương trình hành động của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) giai đoạn 2011-2016 và Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020.

Trước thềm năm học mới, ngày 21-8, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 của ngành GD-ĐT. Xung quanh nội dung này, PV Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung.

 

- PV: Là người trực tiếp theo dõi và chỉ đạo ngành GD-ĐT, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của năm học qua?

Ông MĂNG ĐUNG: Năm học 2012-2013, với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ quản lý, thầy-cô giáo, học sinh, sinh viên, ngành GD-ĐT đã đạt được những kết quả quan trọng: Công tác đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện từng bước vững chắc, chất lượng giáo dục tiếp tục ổn định và có hướng phát triển, có nhiều giáo viên, học sinh đạt giải trong các kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo tiếp tục được quan tâm. Các nhà giáo đều tận tụy với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng; phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học đã được chú trọng.

Tôi cho rằng, sự chuyển biến tích cực trong năm học 2012-2013 đã diễn ra khá toàn diện trên các mặt, góp phần đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trên nền chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đội ngũ học sinh giỏi và giáo viên giỏi các cấp của tỉnh. Có thể khẳng định, dù bất cứ ở thời điểm nào, phải trải qua những khó khăn gì thì truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó, học giỏi vẫn luôn được các thế hệ chăm lo, gìn giữ và phát triển.

Phong trào thi đua học tập của học sinh tỉnh nhà gần đây ngày càng được đẩy mạnh, kết quả thi học sinh giỏi các cấp được tăng lên; phong trào giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các thầy-cô giáo, học sinh trong các nhà trường hưởng ứng tích cực; nhiều em đã vượt khó vươn lên học khá, học giỏi.

- PV: Như vậy, có thể nói trong năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, trong đó có giáo dục dân tộc. Ông có thể cung cấp thêm một số thông tin cần thiết để bạn đọc Báo Gia Lai được biết rõ hơn về vấn đề này!

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Ông MĂNG ĐUNG: Trong những năm học qua, chính sách giáo dục dân tộc ở tỉnh được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Toàn tỉnh có 361.636 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 152.349 em (chiếm 43,45%), tăng 7.619 học sinh dân tộc thiểu số so với năm học trước. Tổng số giáo viên người dân tộc thiểu số toàn tỉnh hiện có 2.189 người. Công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học như một môn học tự chọn tiếp tục được các đơn vị chú trọng.

Toàn tỉnh đã có 106 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số với 444 lớp, 286 giáo viên giảng dạy và 10.988 học sinh  theo học, tăng 129 học sinh dân tộc thiểu số so với năm học trước.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục được ổn định và phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, gồm 14 trường với 2.384 học sinh.

Trong năm học 2013-2014, tỉnh có thêm 3 trường phổ thông dân tộc nội trú tại thị xã An Khê, huyện Chư Pưh và Phú Thiện. Bên cạnh đó, Gia Lai đã thành lập được 16 trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (gồm 3 trường tiểu học, 3 trường tiểu học và THCS và 10 trường THCS) tại 7 huyện (Kbang, Kông Chro, Mang Yang, Phú Thiện, Chư Sê, Đức Cơ và Krông Pa). Theo lộ trình thì đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú (2 trường cấp THPT và 15 trường cấp THCS) và dự báo sẽ có khoảng 33 trường phổ thông dân tộc bán trú.

- PV: Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 trong toàn ngành GD-ĐT. Vậy, đâu là những nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT tỉnh nhà cần hướng tới, thưa ông?

Ông MĂNG ĐUNG: Trong năm học 2013-2014, ngành GD-ĐT tỉnh nhà cần chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt-học tốt”, thực hiện những giải pháp đột phá lâu dài, tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.

Theo đó, Sở GD-ĐT cần tập trung chỉ đạo các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 3004/CT-BDGĐT ngày 15-8-2013 của Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014.

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện có kết quả việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; nâng dần tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, mở rộng diện học sinh được học 2 buổi/ngày, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

Với sự quan tâm của Bộ GD-ĐT, của tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các địa phương và sự tâm huyết của toàn ngành GD-ĐT, tôi mong và tin rằng, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2013-2014.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Gia Lai