Chuyện dạy học ở Kon Pne

23/08/2013 07:26 AM


Về mặt địa lý, xã Kon Pne (huyện Kbang) như lọt thỏm giữa đại ngàn Kon Ka Kinh. Và ở nơi tưởng chừng như “ốc đảo” ấy, vẫn có những giáo viên thầm lặng băng rừng, vượt suối mang con chữ đến cho trẻ xã nghèo.

Về mặt địa lý, xã Kon Pne (huyện Kbang) như lọt thỏm giữa đại ngàn Kon Ka Kinh. Và ở nơi tưởng chừng như “ốc đảo” ấy, vẫn có những giáo viên thầm lặng băng rừng, vượt suối mang con chữ đến cho trẻ xã nghèo.

“Giáo viên là nghề nguy hiểm”-nhận định ấy thoạt nghe có phần hơi quá, nhưng với 32 giáo viên Trường Tiểu học Kon Pne (ngôi trường duy nhất tại xã gồm 3 bậc: Mầm non, Tiểu học và THCS) thì nó lại rất chính xác.

Đánh cược với tử thần

Xã Kon Pne cách trung tâm huyện Kbang gần 80 km. Trước khi có con đường kiên cố được xây dựng từ thị trấn Kbang đến xã Đak Krong thì đó là quãng đường kinh hoàng với những giáo viên tại Trường Tiểu học Kon Pne. Muốn đến được xã, không còn cách nào khác là... xắn quần cuốc bộ hơn 40 km đường rừng lầy lội gần một ngày đường mới đến nơi. Đó là chuyện trước đây, bây giờ đường vào xã Đak Krong đã gần được phủ kín bằng bê tông. Nhưng đoạn đường từ xã Đak Krong vào Kon Pne dài hơn 20 km vẫn được coi là “cung đường tử thần” bởi ngay đoạn đầu của cung đường ấy là một cái ngầm vượt sông Ba.
 

Một giáo viên mầm non đang vượt sông Ba. Ảnh: L.V.N
Một giáo viên mầm non đang vượt sông Ba. Ảnh: L.V.N

Thầy Lê Tiến Thể-giáo viên Trường Tiểu học Kon Pne chia sẻ: “Mùa khô thì không sao, chứ mùa mưa nước lớn thì đi qua cái ngầm này cực kỳ nguy hiểm. Nhưng các giáo viên xa nhà, cuối tuần muốn về sum họp cùng gia đình thì vẫn phải liều mạng mà đi thôi, trừ khi nước quá lớn bị kẹt lại”. Thầy kể, mùa mưa năm trước, vào một ngày nước cao quá đầu gối, thầy trờ xe từ con dốc đứng chầm chậm qua ngầm. Bỗng xe khựng lại rồi bổ nhào, thầy bật khỏi xe trôi theo dòng nước dữ. Quờ quạng vật lộn giữa dòng nước, thầy may mắn vớ được một khúc cây bị kẹt lại trước khi có người đến cứu. Cách đó một mùa mưa, một cán bộ xã cũng rơi vào tình trạng tương tự, chiếc xe trôi thẳng xuống dòng thác, rất may anh này đã kịp bám vào cành cây ven bờ thoát chết trong gang tấc.

Nhưng đó mới chỉ là thử thách đầu tiên trên con đường này. Suốt chặng đường còn lại là những đoạn đèo dốc cao vút với những vách đá sừng sững, một bên là vực thẳm hun hút mù sương. Với những người không cứng tay lái thì đó quả là một đoạn đường đáng sợ khi chiếc xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào. Đáng sợ hơn là những vách đá luôn chờ chực đổ ập xuống mỗi khi mùa mưa đến. Thầy Đào Công Sâm-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Kon Pne bày tỏ: “Đoạn đường này vào mùa mưa thường xuyên bị sạt lở. Đá từ trên vách núi đổ xuống chặn hết cả đường đi, ai đi qua đều thấp thỏm lo âu sợ lỡ đâu đá đổ xuống thì nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn không thể không đi. Còn riêng tiền thầy cô sửa xe mỗi năm cũng hàng triệu đồng. Chuyện xe hư giữa đường cũng xảy ra như cơm bữa, khi ấy chỉ biết ngồi đợi người đến giúp thôi”.

Tất cả vì học trò

Năm 1985, những người thầy đầu tiên lội bộ, xuyên rừng thẳm đến Kon Pne. Ngôi trường cũng được thành lập từ đó. Không phải kể nhiều có lẽ ai cũng biết vô vàn những khó khăn của những người thầy ngày ấy. Thấm thoắt đã gần 30 năm trôi qua, lớp lớp người thầy, lớp lớp học trò đã đi qua dưới mái trường này. Kon Pne giờ đã khoác lên mình bộ áo của sự no ấm. Với những người Bahnar ở mảnh đất này, nó như một câu chuyện cổ tích được viết bởi những người thầy đánh cược với mạng sống để dạy chữ cho những cô cậu học trò hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

“Giáo viên đi dạy ở Kon Pne không khác gì đi nhập ngũ”-câu nói đùa của thầy Đào Công Sâm như chất chứa cả nỗi buồn. Tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả các giáo viên dạy ở Kon Pne đều là người ở nơi khác tới. Người gần thì đi gần 100 km đường gập ghềnh để tới trường, người xa là hàng trăm cây số. Người gần thì một hoặc 2 tuần được trở về bên gia đình vợ con, người xa thì chỉ được gặp gia đình 2 lần/năm vào dịp Tết và nghỉ hè. Thầy Sâm tâm sự: “Đường sá xa xôi vất vả, nhưng tất cả vì học trò nên ai cũng quyết tâm vượt qua. Ở trường có 7, 8 thầy cô là người ở các tỉnh khác từ Bắc, Trung, Nam sống tại làng như người bản địa đích thực, mỗi năm chỉ về nhà được hai lần. Xa vợ, xa con, xa gia đình... nhưng rồi cũng động viên nhau, lấy tiếng cười, tình yêu thương với học trò để làm việc…”. Như trường hợp cô Nguyễn Thị Khuê, quê ở Nam Định. Năm 2009 khi vừa ra trường, cô giáo trẻ lên vùng cao tìm việc rồi đến với Kon Pne. Bỡ ngỡ, choáng ngợp trước cảnh heo hút nơi này nhưng cô vẫn bám trụ vững vàng. Tuổi thanh xuân của cô giáo trẻ cũng dần trôi theo từng tiết học giữa núi rừng Kon Ka Kinh. Với những giáo viên như Khuê, điều khiến họ ở lại có lẽ chỉ có thể là tình thương yêu đùm bọc của dân làng với những người đã góp công xóa đi cái mù chữ ở Kon Pne.

Ngày 19-8 vừa qua, 536 cô cậu học trò Bahnar ở Kon Pne lại nô nức đến trường khởi đầu cho một năm học mới. Và thầm lặng ở nơi ấy, những người thầy lại tiếp tục lặng lẽ miệt mài với sự nghiệp “trồng người”.

Theo Báo Gia Lai