Hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú: Góp phần phát triển giáo dục dân tộc

26/07/2013 07:34 AM


Theo kế hoạch, trong năm học 2013-2014, Gia Lai sẽ thành lập thêm 5 trường Phổ thông Dân tộc bán trú tại các huyện: Krông Pa, Kông Chro, Phú Thiện và Đak Đoa, nâng số trường Phổ thông Dân tộc bán trú ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh lên 21 trường.

Theo kế hoạch, trong năm học 2013-2014, Gia Lai sẽ thành lập thêm 5 trường Phổ thông Dân tộc bán trú tại các huyện: Krông Pa, Kông Chro, Phú Thiện và Đak Đoa, nâng số trường Phổ thông Dân tộc bán trú ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh lên 21 trường.

Năm học 2013-2014 là năm thứ 4 Sở Giáo dục-Đào tạo triển khai chủ trương về công tác xây dựng và phát triển trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT).

Ông Phạm Ngọc Thạch- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở, đánh giá: “Những năm qua, hệ thống trường PTDTBT đã có bước tiến toàn diện trên các lĩnh vực: số lượng trường, số học sinh. Tỷ lệ gần 50% học sinh dân tộc thiểu số thuộc các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đang theo học tại các trường PTDTBT tiểu học và THCS cũng là một nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục và chính quyền các cấp”.

 

Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Đức Cơ) trong một giờ thể dục giữa giờ. Ảnh: P.D
Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Đức Cơ) trong một giờ thể dục giữa giờ. Ảnh: P.D

Duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, năm học vừa qua, tổng số học sinh các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh là 2.421 em; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 452 người. Kinh phí thực hiện chi chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú năm 2011 và 2012 theo quy định là 45,377 tỷ đồng; năm 2013 là 32,176 tỷ đồng.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được đánh giá là đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Chất lượng dạy và học của 2 năm trở lại đây ở các trường này đã được nâng lên rõ rệt so với những năm chưa có mô hình bán trú.

Bên cạnh hoạt động dạy và học, các trường đã triển khai công tác quản lý hoạt động học sinh, sinh hoạt bán trú cho học sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể dục thể thao và trò chơi dân gian, tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em đoàn kết, yêu trường, mến lớp, yên tâm học tập, duy trì sĩ số tốt hơn so với những năm học trước.

Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn. Kỹ năng phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của các em cũng phát triển khá nhanh. Em Rah Lan Lê Lan Anh-một học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ), cho hay: Nhà em cách trường 5 cây số, 3 năm nay được học bán trú nên đỡ vất vả hơn cho bố mẹ trong việc đưa đón, “buổi trưa em ở lại trường ăn cơm với các bạn và tự học, chiều được ôn tập bài vở nên kết quả học tập cũng tốt hơn”.

Đặc biệt, nhiều đơn vị đã làm rất tốt công tác xã hội hóa trong việc huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho học sinh như: kinh phí, lương thực, củi đốt, góp cây làm nhà ăn, nhà ở… trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng như Trường PTDTBT Lê Lợi, Phan Đăng Lưu (huyện Chư Sê), các trường PTDTBT ở xã Đak Rong, Krong, Lơ Ku (huyện Kbang), PTDTBT Lơ Pang (huyện Mang Yang), PTDTBT Lê Quý Đôn (huyện Đức Cơ)…

Còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí

Bên cạnh những thuận lợi nói trên, đa số các trường PTDTBT đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Phần lớn các trường PTDTBT đều được chuyển đổi từ trường tiểu học và THCS nên nhiều trường vẫn còn chưa có nhà bếp, nhà ăn, nhà ở, nhà vệ sinh và công trình nước sinh hoạt phục vụ cho học sinh ăn, ở bán trú. Thầy Phạm Văn Hồng-Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Phan Đăng Lưu (xã Ayun, huyện Chư Sê), nêu một nghịch lý: Trường cách trung tâm huyện 14 km, có tổng cộng 9 lớp nhưng chỉ có 5 phòng học, học sinh phải học 2 ca nên không tổ chức được lớp 2 buổi/ngày theo đúng tiêu chí của Trường PTDTBT.

Vì vậy, học sinh chỉ học 1 buổi, thời gian còn lại được tổ chức sinh hoạt ngoại khóa. “Đến nay trường thành lập đã 2 năm, nhiều lần đề xuất xây dựng thêm phòng học nhưng chưa được đầu tư”-thầy Hồng nói. Cùng xã, Trường PTDTBT Tiểu học Lê Lợi cũng gặp khó tương tự khi có 9 lớp nhưng chỉ có 4 phòng học, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, học tập.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải- Phó trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang, cũng cho biết đó là thực trạng mà trường PTDTBT THCS Lơ Pang và PTDTBT THCS Đê Ar trên địa bàn huyện đang gặp phải. Ngoài thiếu chỗ ăn chỗ ở, các trường còn thiếu các phòng thí nghiệm, thực hành.

Ngoài ra, theo ông Hải, mức kinh phí hỗ trợ (bằng 40% mức lương tối thiểu/tháng/học sinh) là thấp so với nhu cầu, chưa nâng cao được chất lượng bữa ăn của học sinh. Xung quanh quy định này, bà Vương Thị Hội-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang, đã đề xuất nên nâng mức hỗ trợ từ 40% lên 70% mức lương tối thiểu. Chưa kể, tại nhiều địa phương, số kinh phí hỗ trợ này còn được cấp phát khá chậm, gây khó khăn trong công tác phục vụ học sinh.

Đề cập đến chương trình giảng dạy, bà Võ Thị Thu Nguyệt-Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục-Đào tạo), còn nêu tình hình chung: “Nhiều trường chưa làm phân phối chương trình dạy 2 buổi/ngày, đa số vẫn dạy theo chương trình phân phối của Sở vào buổi sáng, còn buổi chiều thì tổ chức ôn tập lại và sinh hoạt ngoại khóa. Như vậy là không khoa học và lãng phí”.

Nhận định về kết quả triển khai tổ chức hoạt động của hệ thống trường PTDTBT trong những năm qua, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Phạm Ngọc Thạch cũng đặt câu hỏi: “Việc duy trì sĩ số cơ bản đạt yêu cầu, nhưng cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng thời gian trong buổi học sau buổi học chính. Khoảng thời gian này được sử dụng để dạy học hay chỉ để giữ học sinh lại… vui chơi, tránh nắng, tránh mưa?”.

Để tháo gỡ cho các trường một số vướng mắc nêu trên và hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Giám đốc Sở đề nghị: “Về cơ sở vật chất, nếu xác định nội trú là ưu tiên 1 thì bán trú là ưu tiên 2. Các huyện cần huy động xã hội hóa, khai thác lợi thế trên địa bàn (sự hỗ trợ, đóng góp của  chính quyền, doanh nghiệp và người dân), làm sao để cơ sở vật chất tương đối đảm bảo phục vụ học sinh”. Bên cạnh đó, theo ông Thạch, các trường cần sớm mở tài khoản riêng để trở thành dự toán cấp 1 của huyện, nhờ đó có thể cấp phát kinh phí kịp thời hơn đến học sinh.

Theo Báo Gia Lai