Trăn trở với nghề dệt thổ cẩm ở làng Goòng
18/07/2013 07:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lọt thỏm giữa núi rừng nơi biên viễn, làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông đã từng là thủ phủ của nghề dệt thổ cẩm. Thế nhưng, hình ảnh đẹp đẽ bên khung dệt của những người thiếu nữ Jrai bây giờ chỉ còn là ký ức. Ký ức mà mỗi lần nhắc đến nó lại gợi cho người dân làng Goòng một nỗi buồn vời vợi...
Lọt thỏm giữa núi rừng nơi biên viễn, làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông đã từng là thủ phủ của nghề dệt thổ cẩm. Thế nhưng, hình ảnh đẹp đẽ bên khung dệt của những người thiếu nữ Jrai bây giờ chỉ còn là ký ức. Ký ức mà mỗi lần nhắc đến nó lại gợi cho người dân làng Goòng một nỗi buồn vời vợi... "Hồi xưa, làng Goòng là thủ phủ của nghề dệt thổ cẩm ở đây đấy chứ. Nhà nào cũng có khung dệt cả. Phụ nữ Jrai ở làng Goòng khéo tay dệt nhanh và đẹp lắm"-ông Siu Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Púch "khoe" đầy tự hào. Nhưng vẻ tự hào chẳng tồn tại được lâu mà nhanh chóng bị choán bằng sự nuối tiếc. Bởi những ký ức rõ nét ấy trong ông giờ mãi mãi chỉ là ký ức. Cái "hồi xưa" trong câu nói của ông cũng không phải đã quá xa, nó mới chỉ cách đây 5-6 năm. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã khác...
Dưới bóng mát của gốc cây giữa làng, một nhóm người phụ nữ Jrai tụm năm tụm ba quanh chiếc chiếu cũ. Người say rượu nằm queo, người mải mê với lũ trẻ nghịch ngợm. Cạnh đó, một bà lão trạc 60 tuổi say sưa với khung dệt. "Già năm nay hơn 50 mùa rẫy rồi, già mua sợi ở chợ về để dệt tấm khăn để địu trẻ. Tấm này dệt khoảng 3 ngày là xong"-vừa nói, già Rlah Branh vừa đưa những đường tay nhịp nhàng điêu luyện trên khung dệt. Những người phụ nữ xung quanh có vẻ không bận tâm lắm đến già Branh. Thấy họ không mặn mà lắm với khung dệt, tôi hỏi: "Mấy chị có biết dệt vải thế này không?". "Không đâu, chỉ mấy người già mới dệt thôi, mình không biết" - một người phụ nữ chừng hơn 30 tuổi đáp. Người khác thêm: "Giờ không ai học dệt nữa đâu, thanh niên trong làng giờ đâu có thích học như ngày trước". Cảm thấy bất ngờ, nhưng khi dạo một vòng quanh ngôi làng nơi biên giới này lại khiến tôi thêm phần hụt hẫng. Hóa ra, hình ảnh của già Branh bên khung dệt là hình ảnh duy nhất còn sót lại về dệt thổ cẩm mà tôi được gặp tại làng Goòng. Trên những cây phơi quần áo của mỗi nhà, hình ảnh những tấm vải dệt bằng thổ cẩm quen thuộc, thứ tưởng chừng đã mặc định phải ở nơi ấy đã được thay thế bằng những bộ quần áo vải thường. Trên những con đường làng, từ người già, đến trẻ con tuyệt nhiên không ai mặc những tấm vải thổ cẩm nữa. Ông Rmah Bo, người làng Goòng nói đầy chua chát: "Giờ không ai mặc vải thổ cẩm nữa đâu. Ai mà mặc thì người ta cười chê, người ta bảo là mặc gì mà như con khỉ. Giờ ai cũng mặc đồ như người Kinh hết rồi. Giờ người Jrai chỉ thường dùng thổ cẩm để địu con thôi".
Loanh quanh ngôi làng, không ai có thể nhận ra bóng dáng phảng phất của một nơi đã từng là thủ phủ của nghề dệt thổ cẩm năm nào. Dẫu biết văn hóa hiện đại đã ùa đến nơi này, nhưng giữa vùng biên giới xa xôi nó có thể khiến một ngôi làng đầy bản sắc lột xác hoàn toàn thì ít ai ngờ được. Toàn xã Ia Púch có gần 2.500 khẩu, trong đó hơn 95% là người Jrai với hơn 50% hộ nghèo. Theo cán bộ xã, bộ mặt kinh tế của Ia Púch đã khởi sắc nhiều, người Jrai đã bắt đầu biết học theo người Kinh để làm ăn kinh tế, đã đẩy lùi được cái đói và đang trong quá trình giảm nghèo. Ông Siu Na-già làng làng Goòng trăn trở: "Giờ người trong làng biết dệt thổ cẩm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, mà toàn là những người già, lũ trẻ bây giờ nó đi mua đồ mặc hết chứ đâu có tự dệt như xưa nữa. Mình muốn được mặc như hồi xưa, phụ nữ làng mình dệt đẹp lắm mà. Nhưng giờ đâu có ai mặc, mình cũng không biết phải làm sao". Nói rồi già làng trầm ngâm đưa ánh mắt xa xăm.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...