Một tập tục đẹp của người Jrai
08/07/2013 01:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lễ kết nghĩa anh em (người Jrai gọi là Ia Pô) là một tập tục đẹp của người Jrai, gắn kết những người không có họ hàng thành anh em một nhà. Người ta kết nghĩa với nhau vì nhiều lý do: đền đáp ơn nghĩa, muốn thân mật hơn hay để giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Lễ kết nghĩa anh em (người Jrai gọi là Ia Pô) là một tập tục đẹp của người Jrai, gắn kết những người không có họ hàng thành anh em một nhà. Người ta kết nghĩa với nhau vì nhiều lý do: đền đáp ơn nghĩa, muốn thân mật hơn hay để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Các tộc người ở Tây Nguyên nói chung và đồng bào Jrai nói riêng có rất nhiều tập tục đẹp, trong đó có thể kể đến tập tục kết nghĩa anh em. Đây là một tập tục đã được hình thành từ lâu. Người Jrai trọng tình cảm, khi hai bên thực sự mến thương nhau và cả hai bên ưng thuận thì họ sẽ tổ chức kết nghĩa và từ đó sẽ trở thành anh em một nhà.
Để thực hiện việc kết nghĩa thì hai người muốn kết nghĩa sẽ trực tiếp gặp nhau bàn bạc và đi đến thống nhất việc làm lễ. Ông Rơ Châm Bo (làng Bloi, xã Ia Ly, huyện Chư Pah) cho biết: “Người Jrai không quan trọng anh em mình sắp kết nghĩa giàu hay nghèo mà chỉ cần hai bên ưng thuận rồi tổ chức cúng Yàng, xin Yàng phù hộ cho anh em kết nghĩa được sống hòa thuận, mạnh khỏe”. Người Jrai tin thờ rất nhiều vị thần (Yàng) như: thần mặt trời, thần núi, thần nước, thần lúa. Các vị thần có rất nhiều quyền năng, ai được các thần quan tâm thì sẽ có sức khỏe, lúa gạo đầy nhà, có nhiều của cải. Với lễ kết nghĩa anh em cũng vậy, họ tin rằng khi được thần linh phù hộ thì tình nghĩa anh em sẽ thêm bền chặt. Lễ kết nghĩa được tổ chức trong gia đình, tùy theo gia cảnh của người kết nghĩa mà tổ chức lớn hay nhỏ. Lễ nhỏ, người Jrai gọi là Ia pô je (hay Ia pô ia blăng) lễ vật gồm một con gà và một chum rượu nhỏ (Pơlum). Lễ lớn gọi là Ia pô prong lễ vật gồm một con gà, chum rượu nhỏ và một con heo sữa. Lễ nhỏ thì mời họ hàng thân thích, già làng, những người anh em hay cha mẹ kết nghĩa đến chung vui. Còn lễ lớn họ sẽ mời thêm những người họ hàng xa và dân làng cùng đến chung vui. Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, hai người kết nghĩa sẽ ngồi đối diện nhau bên ghè rượu, nếu hai bên đã có gia đình thì người vợ sẽ ngồi bên cạnh người chồng và bắt đầu lễ cúng. Khác với lễ báo hiếu hay lễ nhận cha nuôi cần có thầy cúng hay người mai mối, lễ kết nghĩa anh em sẽ do hai người kết nghĩa tự cúng Yàng. Hai bên cùng khấn thề thông báo cho các vị thần linh biết chuyện từ nay hai người sẽ trở thành anh em một nhà, cầu mong các vị thần quan tâm giúp đỡ cho hai anh em kết nghĩa được sức khỏe, sống lâu, sống thuận hòa đến đời con cháu. Xin các thần linh cho hai gia đình kết nghĩa được bền chặt, cùng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, ai làm trái lời khấn sẽ bị thần linh trừng phạt. Sau lời khấn, hai người kết nghĩa cùng nhúng ngón tay vào rượu cúng rồi bôi lên cổ nhau. Người anh kết nghĩa uống một ngụm rượu cúng sau đó đến lượt người em uống một ngụm, rồi cả hai cùng ăn thịt đã cúng. Với người Jrai, thịt đã cúng cho Yàng thì người khác không được ăn mà chỉ để cho hai anh em kết nghĩa ăn. Kết thúc nghi lễ cúng Yàng, một con heo sẽ được giết thịt, mọi người cùng ăn uống, trò chuyện vui vẻ với nhau. Các cụ già ở làng Bloi còn cho biết thêm, lễ kết nghĩa của người Jrai được tổ chức hai lần. Sau nghi lễ kết nghĩa vài tháng, người anh em còn lại sẽ tổ chức tiệc đãi lại người anh em đã kết nghĩa với lễ vật bắt buộc phải bằng hoặc hơn lễ vật của người anh em đã tổ chức trước. Điều này thể hiện thành ý, đáp trả lại tình cảm của người anh em kết nghĩa. Lúc này chỉ mở tiệc đãi họ hàng cùng chung vui với hai anh em kết nghĩa chứ không cần phải cúng Yàng nữa.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...