Xóa bỏ triệt để “Tà đạo Hà Mòn”

13/06/2013 07:19 AM


Ngày 4-6-2013, nguồn tin từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hơn 3.300 người của 935 hộ dân tộc Bahnar, Jrai và Sê Đăng, ở 34 làng, 17 xã, 11 huyện trên địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đak Lak đã bị lôi kéo theo “Tà đạo Hà Mòn”. Thấy rõ những điều không tốt, hàng ngàn người đã từ bỏ “Tà đạo Hà Mòn”, trở về với đời thường.

Ngày 4-6-2013, nguồn tin từ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hơn 3.300 người của 935 hộ dân tộc Bahnar, Jrai và Sê Đăng, ở 34 làng, 17 xã, 11 huyện trên địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đak Lak đã bị lôi kéo theo “Tà đạo Hà Mòn”. Thấy rõ những điều không tốt, hàng ngàn người đã từ bỏ “Tà đạo Hà Mòn”, trở về với đời thường.

Tiêu tan tham vọng “Giáo chủ Gyin”

Nghe tên bà Y Gyin- “Giáo chủ Gyin”-“Đấng tối cao của đạo Hà Mòn”-“Đức mẹ toàn năng”… đã lâu, nhưng mãi đến ngày bà đứng trước vành móng ngựa, mọi người mới được tận mắt nhìn thấy rõ mồn một bà.

 

Bị cáo Y Gyin- “Giáo chủ đạo Hà Mòn” đứng trước vành móng ngựa.                          Ảnh: H.C
Bị cáo Y Gyin- “Giáo chủ đạo Hà Mòn” đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: H.C

Sinh ra và lớn lên trong gia đình người Công giáo, bà Y Gyin có chồng là ông A Hleu, có 5 người con và có cuộc sống bình yên ở làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy-Kon Tum). Trái ngược với nếp sống đẹp của người Công giáo là yêu thương, bác ái, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, tích cực đóng góp trí lực xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, ngày càng “Tốt đời-Đẹp đạo”, bà lại thường xuyên đi làm thầy cúng, mê tín, nhảm nhí. Ở độ tuổi gần 60 (năm 1999), tâm trí đã có những bất thường, không những không làm gương cho con cháu noi theo, bà còn không tôn trọng sự thật, nói năng vi phạm 10 điều răn dạy của Thiên Chúa.

Tận nghe thấy ngày càng có nhiều người, nhất là phụ nữ người Bahnar, người Jrai ở trong làng Ktu Hơ Moong tin theo; bà đã bắt chước những nghi thức của đạo Công giáo như chắp tay cầu nguyện, dâng hoa (hoặc bánh, kẹo hay trái cây) lên Đức Mẹ, thực hiện các bí tích rửa tội, hôn phối… tại nhà riêng, rồi tự phong cho bản thân là “Đấng tối cao đạo Hà Mòn”. Với tham vọng trở thành “Giáo chủ đạo Hà Mòn”, được nhiều người tôn sùng như “Đức Mẹ Maria”, bà xa chồng, xa con cháu, xa buôn làng, đi khỏi địa phương, đến các buôn làng người dân tộc thiểu số nghèo khổ, ở vùng sâu, vùng xa để lợi dụng triệt để “đức tin mù quáng” của những người nhẹ dạ cả tin. Bà bịa đặt tung tin hoang đường, lôi kéo, kích động những người ưa phiêu lưu, thích hưởng lạc từ những điều thần bí và một số người lớn tuổi có chút uy tín trong các buôn làng tham gia thành lập ban giúp việc “đạo Hà Mòn”…

Từ đó, thông qua những dòng tộc, những cộng đồng người dân tộc thiểu số, những mối quan hệ làm ăn, những buổi cúng bái nhảm nhí; bà ngọt ngào và man trá lừa mị, gieo rắt những tín điều “chắp vá, vay mượn” viển vông của cái gọi “đạo Hà Mòn” vào các khu dân cư của buôn làng Tây Nguyên.

Những hành vi “ma quái” của bà được những kẻ xấu hùa theo và thêu dệt thành những chuyện huyền bí, ly kỳ. Tuy vậy, dù có nhiều bí ẩn, tinh vi đến đâu và có được các thế lực phản động hà hơi tiếp sức đến đâu cũng không thể che giấu được tai mắt của quần chúng nhân dân và các lực lượng chức năng. Những hành vi vi phạm giáo lý, giáo luật và pháp luật của bà bị các tín hữu tôn giáo tố cáo, bị bà con các buôn làng vạch trần.

 

Các bị cáo là “thuộc hạ” của bà Y Gyin đứng trước vành móng ngựa.                            Ảnh: H.C
Các bị cáo là “thuộc hạ” của bà Y Gyin đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: H.C

Từ đó, bà luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng, mà không hề hay biết. Bà bị bắt vào ngày 19-12-2012 khi đang cùng với các thuộc hạ lẩn trốn trong làng Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Từ khi bị bắt đến khi đứng trước vành móng ngựa, bà vẫn lầm lì, giảo biện, quanh co chối cãi về những hành vi làm trái giáo lý, giáo luật của người Công giáo và vi phạm pháp luật.

Tuy vậy, bằng những vật chứng cụ thể, với những lời khai nhận của các đồng phạm và những lời làm chứng của những người trong cuộc; bà phải cúi đầu nhận tội và cầu xin sự tha thứ của đồng bào, cầu xin sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, vì đã có những hành vi lợi dụng tôn giáo, dân tộc, chia rẽ tôn giáo và khối đại đoàn kết của các dân tộc, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội.

Trở về với con đường sáng

 

Từ sự tuyên truyền xuyên tạc sự thật, huyễn hoặc khách quan và những hứa hẹn nhảm nhí, Y Gyin và đồng bọn đã lừa mị, kích động, o ép nhiều người theo “Tà đạo Hà Mòn”. Riêng tỉnh Gia Lai đã có hơn 1.200 người ở 19 làng, 13 xã thuộc các huyện Chư Pah, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang… bị lôi kéo, bỏ đạo Công giáo và Tin lành tham gia “Tà đạo Hà Mòn”.

Thấy rõ những hậu quả lầm lỡ do “Tà đạo Hà Mòn” gây ra, được sự giáo dục của chính quyền địa phương, hàng ngàn người đồng bào dân tộc thiểu số đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo này. Nhiều người đã xóa bỏ tự ti mặc cảm, xin và được nhận lại về sinh hoạt ở các cộng đồng người Công giáo, người Tin lành Việt Nam (miền Nam).

Hơn 400 người ở làng Kon Ma Ha và làng Kon Nát của xã Hà Đông, huyện Đak Đoa đã tự nguyện ký cam kết với các cấp chính quyền từ bỏ “Tà đạo Hà Mòn”, tu chí làm ăn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trước sự chứng kiến của mọi người, Linh mục Bênêđictô Nguyễn Văn Bình-phụ trách giáo xứ Kon Mar (xã Hà Đông) đã thu nhận họ trở về với cộng đồng người Công giáo, sinh hoạt tôn giáo thuần túy theo đúng đường hướng “Kính Chúa-yêu nước”.

Phát huy những mặt đã làm được, các cấp, các ban ngành và các tổ chức đoàn thể tiếp tục tăng cường các nguồn lực về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, vận động toàn dân đoàn kết, “Sống tốt đời-Đẹp đạo”; lấy điều thiện để khuyên người, hướng dẫn cho người mê muội, tha thứ cho những người lỡ lầm; đồng thời làm thật nhiều việc thiết thực có lợi cho dân, thúc đẩy hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc ở cơ sở, đẩy lùi các tập tục lạc hậu trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số…

Qua vụ việc của Y Gyin với “Tà đạo Hà Mòn” rút ra bài học hữu ích cho những người lười lao động, muốn “ngồi mát ăn bát vàng” và nhẹ dạ cả tin một lần nữa tự răn mình muốn no ấm thì phải lao động, chỉ có lao động và đoàn kết gắn bó cùng cộng đồng mới có thể có được ấm no, hạnh phúc.

Theo Báo Gia Lai