Ngành Nông nghiệp: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

18/05/2013 09:46 AM


Để đạt giá trị sản xuất năm 2013 đạt 8.847 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2012, ngành Nông nghiệp tập trung nhiều giải pháp, nguồn vốn đầu tư toàn diện các lĩnh vực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra trong quá trình đầu tư phát triển là làm thế nào để nông nghiệp phát triển hiện đại và có chiều sâu hiện vẫn là bài toán khó.

Để đạt giá trị sản xuất năm 2013 đạt 8.847 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2012, ngành Nông nghiệp tập trung nhiều giải pháp, nguồn vốn đầu tư toàn diện các lĩnh vực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra trong quá trình đầu tư phát triển là làm thế nào để nông nghiệp phát triển hiện đại và có chiều sâu hiện vẫn là bài toán khó.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp hiện đóng góp trên 40% GDP toàn tỉnh. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Khánh thì vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hàng năm chiếm 58-60% tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

Nước tưới-nỗi lo hàng đầu của nông dân Gia Lai.
Nước tưới-nỗi lo hàng đầu của nông dân Gia Lai.

Cụ thể cơ cấu vốn đầu tư cho nhóm cây trồng, vật nuôi khoảng 50 tỷ đồng; nhóm thủy lợi 15-20 tỷ đồng; lâm nghiệp 15 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư trực tiếp khoảng 40 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thông qua các dự án, chương trình nghiên cứu, thử nghiệm chuyển giao giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vùng hạn; đa dạng hóa loài vật nuôi; sửa chữa, xây dựng mới công trình thủy lợi mở rộng vùng tưới, giảm thiểu diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn…

Năm 2013, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị sản xuất là 8.847 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2012. Mục tiêu là vậy song bước vào vụ Đông Xuân 2012-2013 với nhiều bất lợi. Nắng nóng kéo dài đã làm diện tích gieo trồng chỉ đạt 58.306,8 ha, thấp hơn chỉ tiêu đề ra trên 2.693 ha, trong khi đó 10.419,28 ha cây trồng bị hạn, tổng thiệt hại ước tính gần 197 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 314 công trình thủy lợi phục vụ tưới 48.451 ha, chưa kể hàng ngàn công trình thủy lợi tạm do nhân dân tự xây dựng phục vụ tưới 50.000 ha.

Có thể thấy năng lực tưới của các công trình thủy lợi vượt xa tổng diện tích gieo trồng, song vấn nạn hạn vẫn cứ xảy ra. Bất cập này-theo phân tích của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Nguyễn Sơn thì trong 314 công trình thủy lợi có đến 39 trạm bơm, 176 đập dâng còn lại là hồ chứa. Quá trình tích nước các đập dâng, nhất là đập dâng khu vực thị xã An Khê, huyện Kông Chro nếu gặp thời tiết nắng nóng xem như bỏ vì dòng chảy ít do rừng đầu nguồn cạn kiệt, dẫn đến việc điều tiết nước đến công trình đảm bảo thiết kế phục vụ tưới hết sức khó khăn.

Giải quyết nhu cầu nước tưới ngày càng lớn, cơ quan chức năng đề nghị tỉnh bố trí vốn đầu tư các hồ chứa nước. Tuy vậy, nguồn vốn bố trí từ năm 2011 đến nay rất hạn chế, thậm chí không có vốn. Điển hình như công trình thủy lợi Ia Mlah bị cắt vốn theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ nên khối lượng thi công đến nay mới được 50% rồi… ngừng chờ vốn.

Trên thực tế, tiến độ xây dựng công trình thủy lợi cung cấp nước tưới không đáp ứng yêu cần sản xuất. Vì vậy, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay thì chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp từng vùng, có khả năng chịu hạn được cho là giải pháp khả thi.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thì quy trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm. Danh mục giống sử dụng trong sản xuất hiện nay quá nhiều, phân tán, có giống chịu hạn kém, nhiễm bệnh nặng, trong khi việc sản xuất giống tại chỗ chưa cung ứng được yêu cầu sản xuất, phần lớn giống cây trồng, vật nuôi đều phải nhập từ bên ngoài vào...

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra giải pháp chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, hình thành và mở rộng vùng sản xuất tập trung chuyên canh; thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh tăng năng suất-chất lượng-hiệu quả cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ thông qua việc xây dựng các dự án giống nông-lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2015; tiếp tục triển khai các dự án thuộc chương trình giống, dự án khuyến nông-lâm-ngư. Giải pháp là vậy, song đến nay một số dự án vẫn chưa được cấp vốn mặc dù đã được phê duyệt.

Rõ ràng, để ngành Nông nghiệp Gia Lai phát triển bền vững đòi hỏi ngành chủ quan và các địa phương cần có những giải pháp đột phá để tháo gỡ hàng loạt khó khăn như đã nêu.

Theo Báo Gia Lai