Pơ thi ở làng Mrông Yố
08/04/2013 07:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những ngày cuối cùng của “tháng ba Tây Nguyên”, trong ngôi làng nhỏ Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, không khí chộn rộn khác xa ngày thường. Có một lễ trọng sắp diễn ra, lễ pơ thi cuối cùng của người Jrai ở Mrông Yố.
Những ngày cuối cùng của “tháng ba Tây Nguyên”, trong ngôi làng nhỏ Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, không khí chộn rộn khác xa ngày thường. Có một lễ trọng sắp diễn ra, lễ pơ thi cuối cùng của người Jrai ở Mrông Yố. Nắng tháng ba trong veo như thủy tinh. Giữa sự quang quẻ của những nóc nhà sàn ở làng Mrông Yố, loài bướm với độc một màu vàng chanh bay rợp đường, đủ khua động không gian yên tĩnh một cách đáng ngờ. Cuối làng, đột ngột hiện ra một cánh rừng. Gần lại hóa ra không phải, đó là khu nhà mồ của làng. Bóng mát của những cổ thụ trăm năm rợp mát cả một khoảng không rộng mênh mông. Hàng chục nhà mồ nằm rải rác, hoang phế. Hàng trăm tượng mồ mới, cũ thinh lặng dưới bóng mát cổ thụ. “Những nhà mồ này là của lễ bỏ mả nhiều năm trước. Khu nhà mồ của làng đã có từ hàng trăm năm nay, người Jrai ở Mrông Yố nằm ở đây nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Mình dự bao nhiêu pơ thi của làng cũng không nhớ nữa”-già Siu Plich chậm rãi nói.
Cho ngày hội Đúng như dự cảm, sự yên tĩnh kéo dài không lâu. Gần trưa, mọi người lục tục kéo ra khu vực nhà mồ. Người gùi rượu, người gùi cơm lam, gùi nước… từ khắp mọi ngả đường hướng về phía những bóng cây cao. 3 con bò, 2 trâu to của 5 gia đình trong một dòng họ-chủ nhà của pơ thi này-được cột dưới những chiếc cọc hướng về phía mặt trời mọc, sát vách nhà mồ mới dựng lên. Hai con vật hiến sinh gồm 1 dê đực, 1 heo đực nhỏ được chủ nhà mồ, ông Rơ Châm Klir, mang ra từ trước đó. 6 tượng gỗ được dựng quanh ngôi nhà mồ mới. Tượng gỗ còn tươi nguyên, thoảng hương gỗ. Chưa bị thời gian chạm đến, những tượng gỗ ngồi đó với thần thái sống động một cách ám ảnh. Được tạo tác với hai tư thế, ôm mặt hoặc chống cằm suy tư, tượng mồ đánh thức trong sâu xa niềm đau đớn, tiếc nuối tận cùng. Là việc riêng của 5 gia đình nhưng lại là lễ hội của cả làng. Gác mọi công việc, nhà nhà chuẩn bị cơm lam, đồ ăn thức uống mang ra khu vực nhà mồ tham gia cuộc vui. Hơn hai thập kỷ bà Rơ Châm Ngiu chết (năm 1990), ông Ksor Pruch mới chịu chấm dứt mối ràng buộc với người đã sinh thành. Cẩn thận cột lại sợi chỉ đỏ trên dụng cụ để sợi, dệt vải bằng gỗ đã bóng màu thời gian, ông nói đây là kỷ vật duy nhất còn lại của người chết: “Hồi còn sống bà già dệt vải bằng cái này. Nhưng người chết đồ vật cũng chết theo. Mình giữ nó lâu quá rồi, hôm nay phải bỏ nó đi, cho nó về với người chết”. Hóa ra, hơn 20 năm qua, dù mẹ ông không còn, nhưng mối liên hệ chưa khi nào dứt. Và cũng chừng ấy thời gian, được tính bằng cả chục ngàn ngày, người nhà vẫn thay phiên nhau mang cơm ra nhà mồ, kể cho người chết nghe chuyện nhà, chuyện làng, mỗi ngày. “Sau lễ bỏ mả này, mình mới chấm dứt hoàn toàn với người chết”-ông nói. Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng này, gia đình ông góp một con trâu trị giá 22 triệu đồng, chưa kể tiền đóng góp để mua tôn lợp lại nhà mồ, mua heo và dê để cúng. Chưa hết, ông nhẩm tính: “Mình chuẩn bị pơ thi hơn một tháng rồi. Các gia đình phải vào rừng chặt tre nứa, tìm gỗ đẽo tượng. Hơn 100 người phải vào rừng ở làng Tip, xa lắm, đi mất cả ngày đường mới tới, mất gần một tháng mới kiếm đủ tre, đủ gỗ”.
Đêm tiễn đưa Những đống lửa thi nhau cháy lên ở khắp mọi nơi, chiếu sáng cả khoảng không dưới những tán cổ thụ im lìm. Không gian náo nhiệt bởi dòng người nườm nượp kéo về. Không chỉ có người làng Mrông Yố, nhiều làng khác cũng về tham gia lễ hội. Già trẻ gái trai có tới hàng ngàn, người nối người khiên không khí lễ hội đã đặc quánh trong hơi người và men rượu. Đêm nay, đêm cuối cùng người sống “sống” với người chết, đêm cuối cùng để rồi tiễn đưa người chết về với thế giới khác... Chiêng trống bắt đầu nổi lên dồn dập, thúc giục. Nghệ nhân Rơ Châm Hmút không rời tai khỏi những nhịp chiêng mỗi lúc càng nhanh từ đám thanh niên. Ông giải thích: “Đây là điệu chiêng gọi thanh niên mau đến pơ thi. Tí nữa người già mới chơi chiêng để tỏ bày nỗi buồn, nỗi tiếc nhớ người chết”. Đúng như lời nghệ nhân già, thanh niên kéo đến nhà mồ mỗi lúc một đông. Vòng xoang đã lên đến hàng chục, hàng trăm nhưng vẫn không ngừng dài thêm. Dân làng hưởng ứng bằng cách mang những ống cơm lam đến “thưởng” cho những tay chiêng đang khoe tài nghệ một cách mê mải để thu hút sự chú ý, nhất là từ các cô gái. Sau một hồi chiêng trống tưng bừng, đám thanh niên tạm nghỉ và tản đi khắp mọi nơi tham gia vào những cuộc rượu đang hồi bắt đầu. Người chủ lễ, ông Rơ Châm Klir vẫn lặng lẽ theo dõi mọi thứ, lúc này mới vào trong nhà mồ. Ông ngồi yên lặng trước những cái tên được chạm khắc cẩn thận, tay chống cằm khiến những nếp nhăn dồn đuổi làm gương mặt già nua của ông méo mó trong nỗi khổ đau vô tận… “Nó sinh mình ra, nuôi mình lớn, cõng mình đi rẫy, giờ nó bỏ mình mà đi. Ôi chao…”-giọng người đàn ông run rẩy. Ông không khóc, chỉ liên tục những lời cảm thán bằng tiếng mẹ đẻ. Đúng 10 năm người cha ra đi, có lẽ đây mới là giây phút chia lìa vĩnh viễn, với ông. Một người phụ nữ gầy gò khác cũng đến ngồi khóc từ lúc nào. Lấy vạt áo che mặt, tiếng than khóc của bà khiến sự náo động xung quanh như lắng lại. Càng về giữa khuya, sự náo nhiệt càng giảm dần. Rượu vẫn chảy tràn từ đám lửa này đến đám lửa khác. Nhiều đứa trẻ đã ngủ trên lưng mẹ, trong những chiếc lều dựng tạm khắp nơi tự lúc nào. Thanh niên cũng tản đi đâu chẳng rõ. Chỉ những người già ngồi lại. Chưa bao giờ, trong lễ hội lại thấy nhiều người khóc và cũng lắm kẻ cười đến thế. Không ai còn tỉnh. Dẫu vậy, họ vẫn không rời cần rượu. Họ vừa uống rượu, vừa hát dân ca, hát đối với nhau, kể chuyện rì rầm suốt đêm bên nhà mồ, trong tiếng chiêng trống càng lúc càng chậm rãi, bịn rịn. Khi ánh dương của ngày bắt đầu vừa xuất hiện, những người đàn ông trong làng đã kịp làm thịt xong lũ trâu bò từ lúc nào. Những chiếc đầu trâu, đầu bò được dựng ngay trên những chiếc cọc phía trước nhà mồ. Sau một đêm túy lúy, nhiều người vẫn say sưa ngủ ở khắp mọi nơi, dưới gốc cây, bên vách những nhà mồ cũ càng đã bỏ đi từ những pơ thi trước. “Nô lệ của hồn ma” Vào trưa ngày thứ hai của lễ hội, nghi lễ cuối cùng tiễn đưa người chết diễn ra sôi động khác thường. Đúng giữa ngọ, từ phía giọt nước của làng, những Pram (nô lệ của hồn ma) được hóa trang từ đất sét, lá chuối, mặt nạ da bò… tiến dần về phía nhà mồ. Họ bắt chước điệu đi của khỉ, của những con vật. Họ múa và làm trò. Đám đông vây kín những Pram, hò hét, cổ vũ đến khản đặc cả tiếng. Nghệ nhân Hmút giải thích: “Sau lễ bỏ mả, người sống không còn ràng buộc gì với người chết nữa, chấm dứt việc cơm nước cho người chết hàng ngày. Thay vào đó, đã có những nô lệ của nhà mồ đến phục vụ, hầu hạ người chết. Đó chính là những Pram. Chỉ đúng vào giữa trưa, khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, người ta mới có cơ hội để “chạm mặt” được với những Pram. Qua thời khắc này Pram sẽ biến mất, trở về với thế giới khác để phục vụ những người chết lúc này đã được tái sinh…”. Có lẽ biết ơn những “nô lệ của hồn ma” đã thay người sống phục vụ người chết, những Pram đi đến đâu đều được dân làng cho thức ăn, vật dụng đến đó, từ nắm cơm trắng gói trong lá chuối, đến miếng thịt bò, con cá khô… Theo sau những Pram có cả đội cồng chiêng vừa đi vừa khua chiêng múa trống hưởng ứng. Những Pram đi quanh ngôi nhà mồ chuẩn bị bỏ đi, rồi đi vòng qua những nhà mồ đã hoang phế từ nhiều năm khác. Cuộc diễu hành chỉ diễn ra nửa tiếng đồng hồ, những Pram trở về phía bắt đầu xuất hiện rồi mất hút trong những lùm cây. “Còn một số chuyện riêng người sống cần “giải quyết” với người chết, nhưng không ai được can dự vào”-nghệ nhân Rơ Châm Hmút cho hay khi nhìn dòng người lục tục thu dọn đồ đạc ở các lều trở về nhà của chủ nhà pơ thi tiếp tục cuộc vui. Ánh mắt người nghệ nhân già như lạc vào miền mơ tưởng khi chạm vào những tượng mồ. Hội đã tàn. Khu nhà mồ dần rơi vào sự tĩnh lặng vốn có. Nhưng khoảng lặng trong đôi mắt kia mới thật xót xa… Khu nhà mồ đã có ở đó, từ trăm năm. Bao thế hệ người Jrai Mrông Yố đã lớn lên cùng những mùa lễ hội. Cứ nhìn những nhà mồ có hàng chục, vài chục chiếc ché, chiếc ghè với những tượng mồ bỏ đi từ mấy mươi năm vẫn còn đó, nguyên vẹn, sống động mới hiểu con người trân quý những giá trị cũ như thế nào. Nhưng biết có còn pơ thi nào, diễn ra ở đây khi thế hệ trẻ Mrông Yố đã tìm thấy niềm tin khác. Ngay cả những chủ nhân pơ thi hôm nay cũng không trả lời được điều này. Họ chỉ biết, đây là lần cuối, họ làm điều mà họ mong muốn, cho họ và cho người chết.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...