Lớp 10 thí điểm cho học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ: Hiệu quả bước đầu
02/04/2013 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tháng 8-2012, triển khai chủ trương của UBND tỉnh, 2 lớp 10 thí điểm cho học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ đã được tổ chức ở trường THPT Chuyên Hùng Vương và THPT Pleiku. Qua 1 học kỳ, chất lượng học tập của học sinh 2 lớp này đã được cải thiện rõ rệt, học sinh cũng nhanh chóng hòa đồng vào môi trường mới và tự tin hơn.
Tháng 8-2012, triển khai chủ trương của UBND tỉnh, 2 lớp 10 thí điểm cho học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ đã được tổ chức ở trường THPT Chuyên Hùng Vương và THPT Pleiku. Qua 1 học kỳ, chất lượng học tập của học sinh 2 lớp này đã được cải thiện rõ rệt, học sinh cũng nhanh chóng hòa đồng vào môi trường mới và tự tin hơn. Theo chủ trương của UBND tỉnh, những học sinh được xét chọn vào 2 lớp thí điểm nói trên đều là học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ (Bahnar và Jrai) trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện lân cận, do trường THPT Chuyên Hùng Vương và THPT Pleiku xét chọn, tổ chức lớp học, bố trí giáo viên và các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Chất lượng học tập cải thiện rõ rệt “Mới đầu, nhà trường phát hoảng sau đợt kiểm tra chất lượng đầu năm”-thầy Nguyễn Chương, Hiệu trưởng trường THPT Pleiku, bộc bạch nỗi lo lắng ngay khi vừa tổ chức lớp 10A11 với 36 học sinh dân tộc thiểu số. Theo kết quả khảo sát chất lượng đầu vào đối với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, chỉ có… 1 em có điểm trên trung bình môn Toán, Ngữ văn-4 em, Tiếng Anh-3 em. Đó cũng là mối lo ngại của các giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương khi mà kết quả đợt khảo sát chất lượng đầu vào của học sinh lớp thí điểm tại đây cũng ở mức tương tự. Xác định những khó khăn trước mắt, Trường THPT Pleiku đã nhanh chóng bố trí 17 giáo viên tốt để dìu dắt lớp thí điểm này. Trong học kỳ I, nhà trường đã tăng cường ôn tập thêm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh mỗi môn 2 tiết vào buổi chiều cho các em; đồng thời lên kế hoạch sang học kỳ II tăng cường thêm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mỗi môn 1 tiết. Trong quá trình thi học kỳ I, học sinh lớp học đặc biệt này không làm bài riêng mà vẫn thi cùng những học sinh khác trong trường theo thứ tự alphabet. Trong khi đó, Trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng học tập của lớp thí điểm 10C như: bố trí 14 giáo viên, hầu hết cũng là tổ trưởng, tổ phó các tổ bộ môn bám sát lớp; bồi dưỡng thêm các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh 2 tiết/tuần, các môn Vật lý và Hóa học mỗi môn 1 tiết/tuần. “Nhiều em mất căn bản nên học khá chậm. Giáo viên rất cực, phải dạy từng chút một. Phương châm của nhà trường là phải dìu các em chứ không làm các em “bức” rồi bỏ ngang”-thầy Lê Ngọc Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, chia sẻ quan điểm. Vì chương trình học và kiểm tra của học sinh nhà trường khá “nặng” so với các trường THPT khác nên trường chủ trương ra đề kiểm tra và đề thi học kỳ riêng cho lớp 10C. Theo nhận xét thì đa số các em ham học, cầu tiến, có tinh thần và thái độ học tập tốt. Với sự nỗ lực từ cả 2 phía, lớp thí điểm ở trường THPT Chuyên Hùng Vương có kết quả thi học kỳ I khả quan với 2 học sinh khá, 16 trung bình, 17 yếu (không có học sinh kém). Còn tại Trường THPT Pleiku, kết quả thi học kỳ I của học sinh lớp học này cũng khiến các thầy-cô giáo hết sức phấn khởi với 1 học sinh giỏi, 7 học sinh khá, 20 trung bình và 6 yếu, không có học sinh kém. Em Đinh Thị Diễm My, học sinh giỏi duy nhất của lớp 10A11, Trường THPT Pleiku chia sẻ “bí quyết” học tập: “Về nhà em thường ôn lại bài trên lớp rồi mới học bài mới; trên lớp chú ý các trọng điểm mà thầy cô đã nhấn mạnh. Sắp tới kỳ thi em thường ôn lại các chủ điểm, làm các dạng bài tập và có thể xem thêm một số sách nâng cao”. Diễm My cho biết, các thầy cô trong trường rất quan tâm đến học sinh lớp này, “nếu tụi em không hiểu chỗ nào thầy cô đều giảng lại cặn kẽ, còn cho tụi em số điện thoại để có thể trao đổi bài vở qua điện thoại nữa”. Tương tự, em Rah Lan Lê Tường Vi, lớp 10C, Trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng cho hay: “Thầy cô dạy rất nhiệt tình, ngoài ra rất quan tâm đến tụi em, tạo không khí gần gũi, thân thương. Vì điều kiện học tập rất tốt như vậy nên cả lớp ai cũng cố gắng để học tốt hơn”.
Khó khăn về kinh phí Theo thầy Lê Ngọc Lộc, học sinh được xét chọn vào lớp 10C là những học sinh đã trúng tuyển lớp 10 vào các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku như: Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Lê Lợi và một số ít ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai). Việc ăn ở của các em đều do gia đình tự túc. “Nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và thông báo khi nào có kinh phí của tỉnh hoặc chế độ chính sách thì sẽ làm thủ tục cho các em. Đa số các gia đình đều đồng tình và rất quan tâm đến việc học của con em mình”- thầy Lộc cho biết. Hiện có 18 em nhà xa nên đang ở trọ hoặc ở nhờ nhà người quen tại TP. Pleiku để tiếp tục theo học. Đối tượng theo học tại Trường THPT Pleiku lại có chút khác biệt: Đa số là học sinh trường huyện. Vì thế, để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, nhà trường đã hợp đồng xe buýt đưa đón các em, đồng thời đặt cơm căng-tin cho các em ăn trưa những ngày học 2 buổi. Vậy nhưng hiện vẫn có 4 học sinh của lớp này nghỉ học vì nhà quá xa và quá nghèo; có em nhà cách trạm xe buýt đến 12 cây số nên không thể theo học. Thầy Nguyễn Chương cho biết: Tháng 1-2013, trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Giáo dục-Đào tạo cấp kinh phí cho tiền ăn trưa và xe buýt (trong đó tiền ăn trưa gần 60 triệu đồng và tiền xe buýt gần 35 triệu đồng) nhằm duy trì sĩ số và chất lượng học tập. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa có chủ trương hỗ trợ tiền ăn trưa và xe buýt cho học sinh 2 lớp thí điểm, yêu cầu trường THPT Chuyên Hùng Vương và THPT Pleiku vận động phụ huynh tự túc kinh phí; tùy theo khả năng ngân sách đã phân bổ để hỗ trợ thêm cho học sinh. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 3-2013, các trường căn cứ Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để tổ chức hỗ trợ cho học sinh theo quy định. Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Chương băn khoăn: Nếu UBND tỉnh không hỗ trợ thì nhà trường không biết lấy đâu ra khoản tiền gần 100 triệu đồng để trả tiền xe buýt và ăn trưa, bởi ngân sách đã phân bổ phải chật vật chi lương và chi thường xuyên, phụ huynh lại khó khăn nên khó vận động tự túc. Trong khi đó, theo ghi nhận của P.V, đến nay giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn được bố trí dạy 2 lớp này tuy rất vất vả nhưng vẫn chưa được hưởng phụ cấp mà vẫn theo chế độ như những giáo viên bình thường.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...