Khởi động thị trường hàng Tết

21/01/2013 07:30 AM


Chỉ còn không đầy một tháng nữa, Tết cổ truyền Quý Tỵ 2013 sẽ đến. Không khí mua sắm Tết bắt đầu nhộn nhịp “vào mùa”. Giá cả các loại hàng hóa thiết yếu cho ngày Tết đang có dấu hiệu nhích dần lên…

Chỉ còn không đầy một tháng nữa, Tết cổ truyền Quý Tỵ 2013 sẽ đến. Không khí mua sắm Tết bắt đầu nhộn nhịp “vào mùa”. Giá cả các loại hàng hóa thiết yếu cho ngày Tết đang có dấu hiệu nhích dần lên…
 

Nhân viên Co.op Mart Pleiku đang tất bật hoàn tất những khâu cuối cùng chào đón mùa hàng Tết. Ảnh: Lê Hòa
Nhân viên Co.op Mart Pleiku đang tất bật hoàn tất những khâu cuối cùng chào đón mùa hàng Tết. Ảnh: Lê Hòa

Hàng Tết dồi dào

Tại hệ thống cửa hàng tạp hóa của Hồng Nhung, không khí mua sắm Tết đã phủ đầy gian hàng. Bánh kẹo, mứt Tết, rượu, bia, gói quà… được trưng bày rực rỡ và bắt mắt. Đội ngũ nhân viên luôn phải hoạt động hết công suất vì ngoài lý do cửa hàng đã rất đông khách ngày thường, họ còn phải phục vụ thêm một lượng kha khá người tới mua sắm Tết. Chị Phan Thị Ánh Nữ-chủ cửa hàng Hồng Nhung tại số 51 Trần Phú nối dài (TP. Pleiku), cho biết: “Cách đây gần một tháng chúng tôi đã trưng bày hàng Tết. Khoảng một tuần đổ lại đây người dân đã bắt đầu mua sắm lẻ tẻ do sợ giá hàng hóa tăng. Sản phẩm bánh kẹo, mứt, rượu bia… phục vụ Tết nói chung vẫn đa dạng và phong phú như các năm trước”.

Tại siêu thị Co.op Mart Pleiku, các nhân viên đang gấp rút hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng chào đón mùa mua sắm Tết. Họ trang trí các gian hàng rực rỡ, bắt mắt hơn. Các vị trí đẹp trong siêu thị cũng bắt đầu được tận dụng để trưng bày các sản phẩm thiết yếu trong ngày Tết như: bánh kẹo, mứt Tết, rượu, bia…

 

Dịp mua sắm Tết Nguyên đán năm nay, siêu thị Co.op Mart Pleiku lên kế hoạch dự trữ khoảng 80-90 tỷ đồng tiền hàng hóa các loại, thuộc 4 nhóm chính: Thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình và sản phẩm may mặc. Co.op Mart Pleiku cũng dự kiến kế hoạch sẽ bán khoảng 65 tỷ đồng tiền hàng, trong đó các loại thực phẩm công nghệ (bánh mứt, thực phẩm, đồ hộp… chiếm khoảng 40% tổng doanh thu dự kiến). Vinatext Pleiku cũng lên kế hoạch dự trữ 30 tỷ đồng tiền hàng hóa phục vụ Tết, trong đó lượng hàng bình ổn giá chiếm khoảng 3 tỷ đồng. Tại hai đơn vị này, lượng khách hàng mua sắm Tết đã bắt đầu nhộn nhịp từ đầu tháng 12 âm lịch. Các mặt hàng bán sôi động nhất vẫn là quần áo, các thực phẩm thiết yếu cho ngày Tết: Rượu bia, bánh mứt, các loại gói quà biếu…
 

Tư vấn cho người tiêu dùng chọn mua sản phẩm. Ảnh: Lê Hòa
Tư vấn cho người tiêu dùng chọn mua sản phẩm. Ảnh: Lê Hòa

Còn tại các cửa hàng bán lẻ, dù hàng hóa phục vụ Tết đã có vẻ sẵn sàng cho nhu cầu mua sắm của các “thượng đế”, song cảnh mua bán tại đây vẫn khá đìu hiu. Cô Châu-chủ một sạp tạp hóa trong khu nhà lồng thuộc Trung tâm Thương mại Pleiku, chia sẻ: “Hàng hóa bây giờ mới chủ yếu trưng lên cho có không khí để thu hút khách, người mua chủ yếu là bạn hàng lấy mối về bán, chứ người dân đi mua sắm Tết thì chưa. Vẫn đang… chờ, phải khoảng 10 hay muộn thì 15 tháng chạp trở đi mới hy vọng sôi động”. Các sạp hàng ở khu vực lân cận cũng ở trong tình trạng tương tự.

Hàng Việt Nam vẫn là ưu tiên của các đơn vị kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết. Ở hai siêu thị lớn ở TP. Pleiku là Co.op Mart và Vinatext, lượng hàng Việt chiếm khoảng 90%. Đặc biệt, siêu thị Vinatext Pleiku các năm trước có kinh doanh buôn bán mặt hàng rượu ngoại, nay đã dừng không bán nữa. “Chúng tôi cũng như cả hệ thống Vinatext đang hướng tới sẽ chỉ bán hàng Việt trong tương lai”-ông Lê Đức Trọng-Giám đốc Vinatext Pleiku, cho biết. Tại các cửa hàng đại lý lớn như Hồng Nhung, lượng hàng Việt cũng xấp xỉ dao động trong khoảng 85-90%.

Giá vẫn sẽ tăng

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu dù là vào thời điểm “vàng” làm ăn trong năm. Riêng với Gia Lai, năm qua là một năm nhiều biến động, giá một số nông sản chủ lực như cà phê, cao su… giảm xuống. Không những thế, thời tiết bất thường làm giảm năng suất mùa vụ khiến đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Với một tỉnh đại đa số người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp như Gia Lai, đây là lý do không nhỏ ảnh hưởng tới một mùa Tết-mà theo dự báo của nhiều đơn vị kinh doanh-sẽ không mấy khả quan hơn các năm trước.

Ông Lê Đức Trọng-Giám đốc Siêu thị Vinatext Pleiku, nhận định: “Riêng 30 ngày cao điểm của Tết năm ngoái, doanh thu của siêu thị đạt 18 tỷ đồng nhưng năm nay, con số này rất khó đạt được”. Cũng theo ông Trọng, giá cả mặt hàng Tết năm nay sẽ tăng, tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao bằng dịp Tết năm ngoái.
 

 Hàng may mặc là sản phẩm có sự khởi động sớm nhất trong mùa tết năm nay tạ Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Hàng may mặc là sản phẩm có sự khởi động sớm nhất trong mùa tết năm nay tạ Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Hòa

Nhiều chủ cửa hàng cũng cho biết, giá hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đang có dấu hiệu “nóng” dần lên theo khoảng cách rút ngắn từ nay tới Tết âm lịch. Mức tăng hiện tại đang dao động trong khoảng 10-15% và còn có khả năng tiếp tục tăng. Đây là điều hoàn toàn bình thường vào thời điểm mùa Tết. Tâm lý mua sắm sớm của người dân cũng xuất phát từ lý do muôn thửa này dù hàng hóa phục vụ Tết chưa thực sự đến những ngày “chính vụ” và phong phú nhất. Điều này không khó lý giải khi người dân đang đứng trước nhiều khó khăn về tài chính lại phải đối mặt với nguy cơ tăng giá gần như không thể không xảy ra trong mỗi mùa Tết đến.

Cũng vì yếu tố trên, nên người dân đón nhận chuyện tăng giá có vẻ nhẹ nhàng hơn, như “chuyện thường ngày ở huyện”. Chị Võ Thị Minh Tâm (Phường Hoa Lư-TP. Pleiku), nêu quan điểm: “Tăng giá thì Tết nào chả có. Do chỉ ở nhà nội trợ nên tôi có thời gian và chủ động mua sắm Tết sớm hơn. Dù sao cách này cũng có thể giúp gia đình tôi tiết kiệm một khoản chi phí vì cận Tết bao giờ giá cũng sẽ tăng cao hơn, chưa kể phải mua bán đông đúc, chen lấn…”.

Để kích cầu tiêu dùng và tăng doanh thu, các đơn vị như Co.op Mart Pleiku, Vinatext Pleiku… sẽ tận dụng hình thức bán hàng lưu động về các huyện vùng sâu, vùng xa vào những ngày cuối tuần của tháng 1-2013.

Theo Báo Gia Lai