Thị trường cuối năm… Vẫn trầm lắng

28/11/2012 08:27 AM


Mặc dù đã vào dịp cuối năm nhưng thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh vẫn khá trầm lắng. Không khí mua bán ít nhộn nhịp hơn so với thời điểm này những năm trước đây.

Mặc dù đã vào dịp cuối năm nhưng thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh vẫn khá trầm lắng. Không khí mua bán ít nhộn nhịp hơn so với thời điểm này những năm trước đây.

Dạo quanh các khu vực buôn bán ở Trung tâm Thương mại Pleiku (Gia Lai), hàng hóa bày bán vẫn “bình bình” như ngày thường, khách tham quan mua sắm cũng chưa có vẻ tăng đột biến. Theo các tiểu thương kinh doanh tại đây, nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ế ẩm nên hàng hóa nhập về ít, chỉ đủ bán như ngày thường. Chị Nga-chủ một ki-ốt kinh doanh túi xách, hóa mỹ phẩm… trong khu vực nhà lồng cho biết: Càng ngày khách vào chợ mua sắm càng ít, do các xe đẩy bày bán tại cổng đã “hớt” hết khách rồi. Hơn nữa, giá cả hàng hóa cũng tăng cao 20-30% so với năm ngoái nên cơ sở chỉ dám nhập hàng đủ bán, vốn lớn mà bán ế thì lỗ càng cao.
 

Nhiều quầy hàng trong chợ kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Lê Lan
Nhiều quầy hàng trong chợ kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Lê Lan

Đang lúi húi soạn lô giày dép mới nhập, chị Nho-chủ một ki-ốt khác cho hay: “Hàng nhập về chỉ mong bán sỉ cho các đầu mối dưới huyện thôi, chứ bán lẻ ít lắm. Hy vọng tới Noel và Tết Âm lịch thì hàng bán chạy hơn.

Khu vực kinh doanh buôn bán tại tầng 1 của nhà lồng xem ra khá hơn, trong khi tại khu vực kinh doanh quần áo trên tầng 2 thì tình hình “thê thảm” thấy rõ, thậm chí có ki-ốt 3 ngày mới bán “mở hàng”. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là không thể cạnh tranh với các xe đẩy bán ở cổng chợ vừa rẻ, vừa tiện cho khách hàng do bán chui hoặc có trả tiền lệ phí cũng chẳng bao nhiêu (chỉ vài ngàn đồng/ngày), trong khi những ki-ốt kinh doanh trong nhà lồng ngoài tiền hợp đồng thuê quầy, mỗi tháng còn phải đóng tiền thuế, tiền vệ sinh, tiền bảo vệ… từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng.

Tại các quầy hàng bánh kẹo, không khí buôn bán cũng trầm lắng không kém, thậm chí còn ế ẩm. Chị Hường-chủ một quầy bánh kẹo than vãn: “Chẳng cần nói Tết nhất hay cuối năm gì, ngày xưa ngày thường bán cũng rất chạy vậy mà ngày mùa bây giờ bán chậm lắm. Các quầy bán lẻ lấy hàng về bán cũng ít hơn so với trước đây. Còn bánh, mứt Tết thì phải đầu tháng 11 Âm lịch mới bày bán”.

Không đến nỗi đợi khách như các quầy quần áo, bánh kẹo, giày dép nhưng các quầy hàng thực phẩm cũng không lấy gì làm nhộn nhịp. Chị Ngọc-một tiểu thương kinh doanh thịt heo cho biết: Giá thịt heo mấy tháng nay vẫn thế, ít bị ảnh hưởng so với khu vực phía Bắc do dịch bệnh và các tin đồn thất thiệt, tuy nhiên lượng bán không nhiều, mỗi ngày bán được 1 con là mừng rồi. Theo chị Ngọc, giá thịt heo bán tại chợ khá ổn định, heo nạc, sườn non đồng giá 90.000 đồng/kg, cốt lết 70.000 đồng/kg, xương 65.000 đồng/kg... Các loại thực phẩm như rau, củ, quả, tôm, cá… cũng không có gì thay đổi. Chị Hồng-bán chả cá cho hay: “Còn mấy tháng nữa mới tới Tết, nhưng giá có tăng cũng chỉ vài ngày giáp Tết và sau Tết thôi. Bình thường giá chả cá thác lác là 220.000 đồng/kg, Tết cũng chỉ tăng lên khoảng 300.000 đồng/kg”.
 
Khác với không khí trầm lắng tại chợ, trên đường phố nhiều shop quần áo đã rục rịch khai trương “đón Tết”. Các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng lên kế hoạch dự trữ. Nhiều cửa hàng, dịch vụ kinh doanh khác cũng sửa sang, bày trí bắt mắt để hút khách. Chị Lê Vy Nhi-chủ một shop quần áo mới khai trương trên đường Lý Tự Trọng cho hay: “Quần áo bày bán tại shop đều là hàng Việt Nam chất lượng cao với các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Mango, Yessis… Để tiện cho chị em phụ nữ mua sắm, shop còn bán các phụ kiện đi kèm như thắt lưng, nữ trang, túi xách, giày dép…”.

Rõ ràng với kiểu phục vụ tối đa nhu cầu của “Thượng đế” như trên thì việc cạnh tranh bán lẻ của các ki-ốt kinh doanh quần áo trong các chợ và trung tâm thương mại lại càng trở nên vất vả hơn.

Theo Báo Gia Lai