Nữ Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ Gia Lai

31/08/2012 07:25 AM


Trong lịch sử của Đảng bộ Gia Lai cũng như lịch sử của phong trào phụ nữ tỉnh luôn gắn bó với tên tuổi của một nữ lão thành cách mạng-bà Trần Thị Nguyên (1916-2000). Người nữ chiến sĩ cách mạng này, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời là người kiến tạo, vận động, góp phần củng cố tổ chức Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Lai

Trong lịch sử của Đảng bộ Gia Lai cũng như lịch sử của phong trào phụ nữ tỉnh luôn gắn bó với tên tuổi của một nữ lão thành cách mạng-bà Trần Thị Nguyên (1916-2000). Người nữ chiến sĩ cách mạng này, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời là người kiến tạo, vận động, góp phần củng cố tổ chức Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Lai, nhưng thân thế của bà hầu như ít người biết đến.

Bất chấp hiểm nguy

Trong tập hồi ký “Quá khứ hào hùng” do chính bà Trần Thị Nguyên (tức Tú) soạn thảo có ghi: Tháng 6-1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, khi ấy là Bí thư Xứ ủy Trung bộ đi kiểm tra tình hình ở Phú Yên, tại đây đồng chí đã trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ cho bà Trần Thị Nguyên (là cán bộ Phụ vận của Xứ ủy Trung bộ, đang vận động thành lập Hội Phụ nữ Cứu quốc tại Phú Yên) lên Gia Lai, vận động, củng cố Hội Phụ nữ Cứu quốc ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

 

Từ phải qua trái: Ông Phan Thêm người mang kính, tiếp là bà Trần Thị Nguyên (ảnh gia đình cung cấp).
Từ phải qua trái: Ông Phan Thêm người mang kính, tiếp là bà Trần Thị Nguyên (ảnh gia đình cung cấp).

Tình hình ở Gia Lai, Kon Tum năm 1946 là chiến trường ác liệt, Pháp đang lập tề ngụy, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Xứ ủy có chủ trương phải củng cố lại lực lượng chính trị ở vùng này. Là người có kinh nghiệm vận động quần chúng, là Ủy viên  Phụ nữ Trung bộ, bà được Xứ ủy tin tưởng giao trọng trách đó. Đến Gia Lai tháng 8-1946, bà được bổ sung ngay vào Tỉnh ủy Tây Sơn (tức Đảng bộ Gia Lai). Trong cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, đoạn nói về chiến sự kháng chiến chống Pháp năm 1946, đã ghi: Ngoài các ủy viên cũ như Phan Thêm, Phạm Thuần, Nguyễn Xuân, Ban Chấp hành tỉnh còn được bổ sung thêm một số Tỉnh ủy viên mới như: Phan Bá, Trần Thị Nguyên.

Bà nhớ lại: “Được sự giới thiệu của Thường vụ Xứ ủy, tôi được bổ sung vào Tỉnh ủy lâm thời Tây Sơn do Phan Thêm (chồng tôi) là Bí thư”. Sau đó, Tỉnh ủy Gia Lai và cơ quan huyện An Khê chuyển về Vĩnh Thạnh (Bình Khê, Bình Định); tại đây, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ, kiểm điểm tình hình, đề ra chủ trương gấp rút xây dựng cơ sở, đoàn thể Việt Minh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam-Bắc An Khê, tạo bàn đạp để phát triển cơ sở chính trị vào vùng địch tạm chiếm và vận động quần chúng, chuẩn bị chiến trường cho các hoạt động quân sự.

Theo sự phân công của Tỉnh ủy, các đồng chí Phan Thêm-Bí thư Tỉnh ủy, Phan Bá (thường trực tại cơ quan), Phạm Thuần, Nguyễn Xuân, Trần Thị Nguyên lên xóm Ké (Thượng Bình) trực tiếp chỉ đạo phong trào huyện An Khê.

Tháng 7-1946, Xứ ủy Trung kỳ và Phân ban vận động quốc dân thiểu số Nam Trung bộ thành lập đội vũ trang công tác cùng với cán bộ của tỉnh Gia Lai mở đường từ Định Nhì, Đồng Hào-Tiên Thuận lên An Thạch, Cửu An, Cửu Đạo, Ka Nak, Thượng An. Một bộ phận khác lên Đất Bằng (Cheo Reo) xây dựng cơ sở kháng chiến. Các lực lượng này liên lạc với cán bộ cơ sở nắm tình hình địch, trấn áp bọn tề điệp, tạo niềm tin cho quần chúng.

Bà Nguyên khi này với vai trò là Tỉnh ủy viên phụ trách công tác phụ vận đã cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy tích cực vận động quần chúng. Bà đã thành lập Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh trong Mặt trận Việt Minh Gia Lai. Bà viết trong hồi ký: “Tôi triệu tập một số chị em sơ tán (số phụ nữ ở Gia Lai-N.V) xuống Bình Định và tổ chức Ban Chấp hành (lâm thời) do tôi làm Hội trưởng”. Như vậy có thể nói, tổ chức Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh đã được củng cố, thành lập lại.

Phong trào quần chúng khi ấy lên rất cao, góp phần củng cố lại các tổ chức của ta ở vùng địch hậu. Lúc này chính bà đã đứng ra tổ chức Đội nữ tự vệ gồm 30 người với nhiệm vụ là cảnh giới, canh gác, dẫn đường cho cán bộ đi cơ sở, cho bộ đội chủ lực diệt đồn địch... Là Tỉnh ủy viên, bà Nguyên đã cùng các đồng chí Phạm Thuần, Nguyễn Xuân... tăng cường cho An Khê, đẩy mạnh công tác củng cố và phát triển cơ sở chính trị, góp phần xây dựng chiến khu xóm Ké ở làng Thượng Bình (Song An, An Khê), làm bàn đạp chỉ đạo phong trào kháng chiến của tỉnh.

Đầu năm 1947, khi địch tấn công vào chiến khu xóm Ké, bà đã mưu trí, dũng cảm sơ tán tài liệu của Tỉnh ủy khi bị tấn công. Nhờ vậy mà bà đã giữ tài liệu của cơ quan an toàn. Những năm 1947, 1948, bà thay mặt Tỉnh ủy Gia Lai trực tiếp liên hệ với tổ chức Đảng của tỉnh Bình Định nhằm phối hợp, giúp đỡ Gia Lai di dân, tản cư... Nhiệm vụ nào được giao bà cũng hoàn thành xuất sắc. Đến năm 1949, bà được Khu ủy Khu V điều về phụ trách công tác phụ vận của khu.

Hiến dâng cả tuổi xuân cho cách mạng

Bà Trần Thị Nguyên, sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam sớm giác ngộ cách mạng. Năm 17 tuổi bà xây dựng gia đình với ông Phan Thêm ở Quảng Nam. Bà và gia đình trở thành cơ sở của cách mạng. Năm 1935, bà chính thức tham gia Hội Đọc sách báo, Hội Cứu tế đỏ, Hội Tương tế... và vận động, cung tiến tiền của xây dựng quỹ cho tổ chức. Vì có nhiều hoạt động chống chính quyền thực dân phong kiến, năm 1939, bà Nguyên bị địch bắt. Chồng bà-Phan Thêm-đảng viên cũng bị bắt và đày đi Buôn Ma Thuột. Khi ấy, đứa con đầu lòng của họ mới 3 tháng tuổi.

Năm 1940, bà được kết nạp vào Đảng; và từ đây bà gửi con lại cho ông bà nuôi, rồi dấn thân vào cuộc tranh đấu vì dân tộc. Tiếp đó, bà tham gia thành lập Hội Phụ nữ phản đế và được cử làm Trưởng ban Phụ nữ phản đế Tam Kỳ. Từ năm 1940-1945, bà Nguyên bị bắt đi, bắt lại nhiều lần và giam cầm ở nhà lao Hội An cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp (3-1945). Nhớ lại những năm tháng bị tù đày, bà Nguyên viết: “Ở đây (nhà lao) tôi bị tra tấn đủ kiểu, kể cả quay điện vào âm hộ, treo lên xà nhà liền 5 ngày đêm, máu me đầy mình, chết đi sống lại nhiều lần, nhốt xà lim Bót Bò... nhưng tôi vẫn nhất quyết không khai”...

Ra tù, bà lại tiếp tục hoạt động, tham gia giành chính quyền, xây dựng chính quyền ở Tam Kỳ, Hội An... Bà từng là Bí thư Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Quảng Nam, cán bộ biệt phái xây dựng phong trào phụ nữ ở Phú Yên, Gia Lai-Kon Tum trong chống Pháp rồi tham gia công tác giảm tô, cải cách ruộng đất ở Việt Bắc (1953). Năm 1955, bà được Trung ương giao nhiệm vụ trở về Nam, được đồng chí Võ Chí Công giao nhiệm vụ về tổ chức lực lượng bám trụ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Năm 1957 bà trở ra Bắc học Trường Nguyễn Ái Quốc khóa I, rồi làm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Xí nghiệp 19-5, rồi Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra TP. Hà nội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam.

Lời kết

Chuyện trò với Phan Như Dương-cháu nội của bà Nguyên, hiện sống tại Hà Nội, anh luôn tự hào khi nói về bà nội của mình. Bây giờ cả hai ông bà đã yên giấc ngàn thu, nhưng anh vẫn nhớ như in câu thơ của bà mình tâm đắc khi theo Đảng chống Pháp: “Nước mất nhà tan, gánh nợ chung/Có ta, ta phải ghé vai cùng/Liễu bồ đã đứng trong trời đất/Phải hiến thân mình cho núi sông”. Gia đình bà được Đảng, Nhà nước tặng phần thưởng cao quý: gia đình có công với nước, được khắc vào bia đá. Bà Nguyên được tặng Huân chương Độc lập hạng ba, 2 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...

Theo Báo Gia Lai