Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản của địa phương: Việc cần làm ngay

19/07/2012 01:25 PM


Tại lớp tập huấn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản của địa phương vừa được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức mới đây, những quy định pháp luật về bảo hộ cũng như việc đăng ký xác lập quyền, xây dựng quy chế và quản lý sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận

Tại lớp tập huấn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản của địa phương vừa được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức mới đây, những quy định pháp luật về bảo hộ cũng như việc đăng ký xác lập quyền, xây dựng quy chế và quản lý sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý được các chuyên gia đề cập một cách cụ thể, sâu rộng, sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Văn Trương-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thì việc tổ chức lớp tập huấn này là một trong những cách làm tốt nhất giúp các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình. Việc doanh nghiệp đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu càng nhiều sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, là đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Sản phẩm của Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà-một trong những doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1999. Ảnh: T.B
Sản phẩm của Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà-một trong những doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1999. Ảnh: T.B

Cũng theo ông Trương, Gia Lai hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng sản phẩm, điển hình như: cao su, hồ tiêu, cà phê, chè, khoáng sản, gỗ, vật liệu xây dựng... Song vẫn còn tồn tại là việc đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là phát triển thương hiệu để trở thành thương hiệu mạnh và xác định là tài sản của doanh nghiệp chưa được chú trọng quan tâm tạo lập, xây dựng và phát triển.

Trên thực tế, Gia Lai mới chỉ có hơn 150 doanh nghiệp, cơ sở đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu, trong đó có 1 nhãn hiệu tập thể của sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê; điều này chưa thể hiện được thế mạnh của doanh nghiệp và tiềm năng thực sự của tỉnh nhà. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa xem trọng việc đăng ký và phát triển thương hiệu của mình đồng thời chưa nắm đầy đủ thông tin liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Với mục đích nâng cao nhận thức trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đồng thời giới thiệu các thông tin về những sản phẩm có chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về nội dung này tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố; gần đây nhất là phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh sản xuất chương trình Sở hữu trí tuệ (2 kỳ/tháng) với những thông tin bổ ích, thiết thực, được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân quan tâm.

Không những thế, đơn vị còn phổ biến một cách rộng rãi Quyết định số 103/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định này, các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động sản xuất sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, không thuộc danh mục hàng hóa mà nhà nước cấm, đồng thời có đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi về Sở Khoa học và Công nghệ thì được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể: Đối với việc bảo hộ nhãn hiệu (bao gồm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tên thương mại) và bằng sáng chế (bao gồm giải pháp hữu ích), mức hỗ trợ là 80% lệ phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong nước, ở nước ngoài hoặc bằng sáng chế trong nước cho mỗi giấy chứng nhận.

Đối với kiểu dáng công nghiệp hoặc thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn thì hỗ trợ 50% lệ phí đăng ký thuộc loại này ở trong nước hoặc ở nước ngoài cho mỗi giấy chứng nhận. Như thế, có thể thấy, các cấp, các ngành của tỉnh rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các đặc sản của địa phương. Việc còn lại sự chuyển biến nhận thức về vấn đề này của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Nhật-Trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng khẳng định: Một trong các yếu tố làm nên thương hiệu của một doanh nghiệp chính là nhãn hiệu, logo của doanh nghiệp. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là hết sức cần thiết. Nó là cơ sở để tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình, thông qua sẽ xác lập được quyền sở hữu đối với thương hiệu của doanh nghiệp.

Trên cơ sở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể khai thác được lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình như: sử dụng nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu...

Đồng thời, đó còn là căn cứ để chống lại những hành vi xâm phạm quyền sử dụng nhãn hiệu. Còn nói giản dị như đại diện Công ty TNHH Thịnh Phát Danh Trà-một trong những doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1999-bà Phạm Thị Mỹ thì: Thương hiệu là tài sản của mình. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa góp phần không nhỏ trong việc quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Theo Báo Gia Lai