Giáo dục con trẻ thời đại mới
20/06/2012 07:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ông bà ta có câu “Vô cổ bất thành kim” ngụ ý khẳng định tầm quan trọng của cái cũ, cái tiền đề trong quá trình hình thành cái mới ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong việc giáo dục con cháu, câu nói này xưa nay vẫn được đa số mọi người khẳng định là đúng đắn và áp dụng triệt để.
Ông bà ta có câu “Vô cổ bất thành kim” ngụ ý khẳng định tầm quan trọng của cái cũ, cái tiền đề trong quá trình hình thành cái mới ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong việc giáo dục con cháu, câu nói này xưa nay vẫn được đa số mọi người khẳng định là đúng đắn và áp dụng triệt để. Thế nhưng trong xã hội hiện đại bây giờ, nhiều bậc cha mẹ đã nhận ra rằng cách dạy dỗ con cháu của ông bà xưa vẫn có những hạn chế nhất định. Vì vậy, thay vì khư khư áp dụng phương pháp giáo dục con cái của ông bà, họ đã biết chọn lọc và bổ sung vào đó những cách thức riêng của mình. Một đứa trẻ từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, gia đình chính là cái nôi đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách sống. Ông bà, cha mẹ sẽ là những tấm gương sáng để trẻ nhìn vào và làm theo.
Do đó, trước khi bắt con cái mình phải thế này, thế khác, nên hoặc không nên làm gì, người lớn nên tự làm gương và nêu gương trước. Thật sự tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình lúc nào cũng bảo con mình rằng anh em phải biết yêu thương, nhườn nhịn nhau, phải ăn nói lễ phép...Thế mà cha mẹ lại suốt ngày gây gỗ, đánh đập nhau, thậm chí còn văng tục trước mặt con cái. Họ đâu biết rằng, con cái họ có thể sẽ hình thành nên những tính cách xấu từ họ. Và điều đó là hoàn toàn không nên. Một điều dễ nhận thấy trong cách giáo dục con trẻ của thế hệ trước là cha mẹ không bao giờ nói lời cảm ơn hay xin lỗi con cái. Bởi theo quan niệm của người lớn ngày trước, cha mẹ luôn đúng dù cho chính họ cũng nhận thức được rõ cái sai của mình. Và con cái phải làm những việc giúp đỡ cho cha mẹ là trách nhiệm đương nhiên. Đây chính là một hạn chế lớn trong cách dạy dỗ con. Muốn trẻ lễ phép, biết cảm ơn, biết xin lỗi thì trẻ phải được nhìn thấy điều đó từ ông bà, bố mẹ mình. Hay nói khác hơn là người lớn cần làm gương và tạo niềm tin cho trẻ. Rất may là hiện nay đã có nhiều gia đình đã ngộ ra được điều này từ các chương trình tư vấn tâm lý trên báo, đài và thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề đó. Phương pháp giáo dục con cái của từng thế hệ trong gia đình không hoàn toàn giống nhau từ quan điểm đến cách thức. Điều này dẫn đến nhiều mâu thuẫn giữa những đôi vợ chồng trẻ với chính ông bà, cha mẹ mình. Chị Lan Anh, một nhân viên kế toán (tại phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ rằng, chị lập gia đình đã được 4 năm và vẫn đang chung sống chung với bố mẹ chồng. Bé Bin, con trai đầu lòng của chị nay đã được ba tuổi rưỡi. Bên cạnh việc dạy con những lễ phép cần thiết như đi thưa về chào người lớn, phải cảm ơn khi ai cho quà gì hay xin lỗi mỗi khi làm sai... chị còn dạy con biết sống tự lập ngay khi còn nhỏ. Mỗi lần Bin gặp phải chuyện gì, chị cũng hướng Bin tự giải quyết, tự chịu trách nhiệm và ý thức được những việc mình làm. Chị Lan Anh vui vẻ kể: “Hôm đó, Bin đang chơi đùa trong nhà thì bị vấp phải cái ghế và ngã chõng choài xuống đất. Cú ngã khá mạnh làm Bin đau và khóc ré lên. Bà nội vội chạy lại bế cháu lên và tiến tới đánh cái ghế và trách móc nó sao dám làm cho Bin bà té. Lúc đó tôi chạy lại cản bà và nhìn Bin nói rằng cái ghế không có lỗi, lỗi là do nó không cẩn thận. Và việc nó té là sự trừng phạt vì nó không chịu quan sát. Thằng bé vừa được bà nội dỗ nín nghe tôi nói vậy lại khóc ré lên. Tôi không cho bà dỗ nữa và cứ để thằng bé đứng khóc. Mẹ chồng tôi xót cháu và tỏ ra rất giận tôi. Tôi cố giải thích nhưng bà vẫn không chịu hiểu. Bà còn bảo rằng ngày xưa bà vẫn dạy chồng tôi và anh em chồng như thế và mọi người vẫn trưởng thành tốt như tôi chứng kiến bây giờ. Tôi cũng chẳng biết phải nói thế nào nữa và mẹ tôi vẫn khó chịu với tôi cho đến khi thằng Bin té một lần nữa và biết tự đứng dậy, đẩy cái ghế sang một bên và tiếp tục chơi đùa. Lúc đó, bà mới nhận ra rằng cách dạy con của tôi cũng rất hiệu quả và từ ấy đến giờ bà không những chẳng can thiệp mà còn giúp tôi giáo dục Bin theo cách của mình”. Trong một lần tình cờ lướt báo VnExpress, tôi có đọc được một bài viết nói về tâm sự của một người mẹ chồng có con trai qua Mỹ du học, lấy vợ và sống định cư bên đó. Khi cháu trai bà, Peter, được 3 tuổi, bà được con mình làm visa cho qua Mỹ thăm con cháu. Trong thời gian sống ở đó, bà đã ngộ ra được nhiều điều từ việc giáo dục con trẻ của cô con dâu chính gốc Tây. Bà còn dùng cụm từ “đại khai nhãn giới” để nói lên mức độ tâm phục khẩu phục của mình.
Trong bài viết đó, bà kể ra những tình huống cháu mình gặp phải và cách giải quyết vấn đề của con dâu. Chẳng hạn như Peter không chịu ăn thì cho nhịn đói; mặc quần trái thì mặc kệ, để khi bị bạn bè trêu thì nó tự khắc thay lại; đánh bạn vô lí thì không bênh vực nó mà dùng chính vật nó lấy đánh bạn đánh lại nó, Peter đau nhưng sau đó đã không bao giờ đánh bạn vô cớ nữa; Peter vọc nước làm ướt nhà và bẩn quần áo thì bắt nó phải tự lau nhà, thay và tự giặt quần áo...
Lúc đầu cũng xót cháu nhưng vì ở Mỹ, khi cha mẹ giáo dục con cái thì bất kể ai cũng đều không được can thiệp vào, nên bà cũng không thể làm gì. Với lại dần dần bà thấy cháu mình trưởng thành hơn thì cũng lấy làm vui và khâm phục cách dạy con của cô dâu Tây nhà bà. Ông bà thường dùng kinh nghiệm (có khi đã lạc hậu) để dạy cháu, còn vợ chồng thì thích kiến thức khoa học khi chăm con. Khi hai cách dạy vênh nhau thì trẻ sẽ mất phương hướng. Trẻ không nhận thức được điều gì là đúng, điều gì là sai. Thậm chí, có trẻ còn biết “tận dụng” sự nuông chiều của ông bà để “đối phó” với bố mẹ. Dần dần, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Chính vì thế, việc dung hòa phương pháp dạy trẻ giữa các thế hệ trong gia đình là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...