Pleiku qua hồi ức của một người thợ

28/04/2012 07:59 AM


Hơn 30 năm ngồi ở góc đường Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Thiện Thuật chăm chút, tỉ mỉ với từng chi tiết của đủ loại đồng hồ, ông Bốn Lai-một thợ sửa đồng hồ có tiếng, chừng ấy thời gian, chứng kiến sự chuyển mình của một thị xã nhỏ bé thành đô thị Pleiku...

Hơn 30 năm ngồi ở góc đường Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Thiện Thuật chăm chút, tỉ mỉ với từng chi tiết của đủ loại đồng hồ, ông Bốn Lai-một thợ sửa đồng hồ có tiếng, chừng ấy thời gian, chứng kiến sự chuyển mình của một thị xã nhỏ bé thành đô thị Pleiku...

Ngồi với ông chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng tôi đã hình dung phần nào công việc của người có trên 40 năm gắn bó với nghề sửa đồng hồ: Tỉ mỉ, nhẫn nại, chính xác. “Nghề này trước đây dễ kiếm tiền lắm, vì thế nhiều người học và đam mê. Nhưng nay thì ngược lại. Nhiều loại đồng hồ nhái, đồng hồ “dởm” còn rẻ tiền hơn cả tiền sửa nên hư là họ bỏ. Thế hệ tôi phần lớn không còn hoặc đã chuyển nghề khác”-vừa cẩn thận lắp chốt một chiếc đồng hồ hư, ông vừa trò chuyện với khách. Ông tên Lê Kim Lai nhưng có lẽ người ta chỉ còn nhớ đến ông Bốn Lai sửa đồng hồ, chẳng mấy ai còn nhớ tên họ đầy đủ của ông.

Nghề “sửa”… thời gian

Làm nghề từ trước giải phóng, khi đó ông Bốn Lai chỉ là một tay thợ trẻ mới ra nghề. Vốn liếng là một chiếc tủ kính với dăm ba chiếc đồng hồ hư, vài bộ dây da. “Hồi đó chỉ những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới đeo đồng hồ. Có khi cầm chiếc đồng hồ của khách trị giá vài chục cây vàng, tôi không khỏi run tay”-ông kể.

 

Ông Bốn Lai vẫn cần mẫn sau chiếc tủ kính nơi góc phố. Ảnh: H.N
Ông Bốn Lai vẫn cần mẫn sau chiếc tủ kính nơi góc phố. Ảnh: H.N

Cách đây 40 năm, chiếc đồng hồ trên cổ tay của nhiều chủ nhân là cả một gia tài chứ không đơn thuần chỉ để xem giờ, bình dân thì có Seiko, Citizen, cao cấp hơn có Longin, Rolex, Omega… “Đó là những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới, chạy tự động và hầu như rất ít hư. Nói là sửa nhưng nhiều người mang đồng hồ đến chỉ để vệ sinh cho sạch sẽ hoặc thay dây mới. Nhưng giá của một bộ dây có khi cũng vài trăm USD chứ không ít”. Giá trị chiếc đồng hồ rất lớn nên tiền công để sửa chữa cũng xứng đáng. Ông hồi nhớ thời hoàng kim của nghề: “Sửa một chiếc đồng hồ có khi mua được vài chục cân gạo, bằng lương tháng của công chức nhà nước. Một ngày sửa được dăm chiếc là coi như sống khỏe. Chiếc đồng hồ đắt nhất tôi từng làm là một chiếc Rolex có giá khoảng 6.000 USD của một vị khách trung niên khó tính. Ông ấy chỉ mang đến để tôi vệ sinh máy móc định kỳ nhưng thường trả công rất hào phóng”.  

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ duyên với những chiếc đồng hồ đắt tiền. Chính sự cẩn thận, uy tín, chính xác của người thợ này mới khiến những khách hàng cẩn thận tin tưởng giao tài sản của họ. Nhờ thế mà ông nuôi 5 đứa con ăn học, trưởng thành nhờ vào chiếc tủ kính nhỏ bé, nằm khiêm tốn ở góc đường.

Những chiếc tủ kính theo ông đã bao lần được thay mới, nhưng nghề sửa đồng hồ thì cũ dần và không còn là nghề kiếm ra tiền. Ông Bốn Lai khẳng định, những người thợ cùng thời với ông giờ không ai còn. Những chiếc tủ kính mới keng của những thợ đồng hồ trẻ mọc lên nhan nhản trên một đoạn đường Trần Phú, khu vực gần Bưu điện tỉnh nhưng khá ế ẩm. Sự nổi nênh của nghề sửa đồng hồ, có thể giải thích bởi sự phát triển, thay đổi từng ngày của đời sống, nhưng một phần đã hiếm dần những người đam mê. “Hồi ấy tôi học hơn 2 năm mới ra nghề, nhiều người còn học tới 3-4 năm. Nhưng bây giờ lớp trẻ chỉ học 2-3 tháng đã ra nghề rồi. Tôi từng có trên 10 học trò nhưng họ không có sự kiên nhẫn cần thiết. Mà nghề này, sự đam mê, kiên nhẫn, uy tín phải được đặt lên hàng đầu”-ông nhận xét.

Hàng ngày, ông ngồi ở góc đường, vẫn sau chiếc tủ kính khiêm nhường tuy nghề qua rồi thời hoàng kim. “Con cái đã trưởng thành cả rồi, tôi cũng không cầu tiền bạc nữa. Giải nghệ cũng không biết làm gì nên cứ ra đây nhì nhằng kiếm sống, thỉnh thoảng gặp lại vài người bạn già ngồi hàn huyên cũng thấy vui…”- ông trải lòng.

Pleiku, xưa và nay

Thị xã Pleiku những năm 1972 khá nhỏ và thưa dân. Mỹ-Ngụy đóng quân rải rác nhưng cảnh sắc Phố núi rất hiền hòa với những hàng thông cổ thụ ngả bóng mát, những cây long não bâng khuâng ở nhiều ngả đường. Ấn tượng với ông Bốn Lai những ngày đầu đặt chân lên Pleiku chỉ là chút man mác bình dị ấy, nhưng khiến ông yêu ngay thị xã nhỏ bé này. Từ sau 1975, ông chọn được chỗ ngồi vừa ý, tâm đắc ở góc đường Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Thiện Thuật, làm nghề cho tới ngày nay. Ông kể: “Sở dĩ tôi chọn chỗ này vì ở đây hoạt động buôn bán khá sầm uất, những tiệm buôn, cửa hàng vàng bạc, xe đạp bắt đầu mọc lên nhanh chóng. Chợ đêm hình thành sau này nhưng khiến cho bộ mặt thị xã thay đổi nhanh chóng”.

Ông kể thêm: “Những năm ấy, tôi cũng như nhiều chàng trai khác, thường ngẩn ngơ bởi những tà áo dài của nữ sinh Plei Me trên đường. Ngày ấy không có nhiều xe máy, người dân chủ yếu đi bằng xe đạp”. Ngồi ở góc đường trên 30 năm, ông cảm nhận rõ rệt nhất sự thay đổi của phố phường muôn mặt. Thị xã nhỏ bé nay đã là đô thị loại II với trên 250 ngàn dân. Đặc biệt, tại khu vực ông ngồi, nhiều ngân hàng, nhà hàng, khách sạn mọc lên tạo cho bộ mặt đô thị sự sôi động, hối hả. Ông bồi hồi: “Nhiều khi rảnh rang tôi lại nhớ về thị xã bình yên năm nào. Có nhiều điều mất đi không tìm lại được, nhưng cuộc sống của người dân hiện tại đã thay đổi rất nhiều, không còn lam lũ, vất vả như những ngày mới giải phóng”.

Những hàng me tây trổ hoa vàng một khúc đường Hoàng Văn Thụ, theo ông, đó là những loài cây mới được trồng sau này cùng với bằng lăng, hoàng yến… Mùa này, bằng lăng tím biếc ở nhiều ngả đường, hoàng yến cũng rủ những chùm hoa vàng bâng khuâng trong nắng. Còn ngay trước vị trí ông ngồi làm việc, cây long não còn sót lại từ thời gian trước như gạch nối tâm tưởng trong ông một đô thị Pleiku xưa và nay.

Theo Báo Gia Lai