Giấc mơ… thị trấn Ia Pa

13/02/2012 07:24 AM


Sau gần 10 năm thành lập trung tâm, huyện Ia Pa vẫn chưa được công nhận là thị trấn. Một trong những sức cản lớn nhất đó là cả cán bộ và người dân dường như không mấy mặn mà với việc định cư ở vùng đất này.

Sau gần 10 năm thành lập trung tâm, huyện Ia Pa vẫn chưa được công nhận là thị trấn. Một trong những sức cản lớn nhất đó là cả cán bộ và người dân dường như không mấy mặn mà với việc định cư ở vùng đất này.

Cách TP. Pleiku 100 km, huyện Ia Pa nằm về phía Đông Nam và là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh. Thành lập được gần 10 năm, thế nhưng đến nay, khu trung tâm huyện Ia Pa vẫn đang là một vùng đất vắng nhà dân. Nơi đây ban ngày thì nắng nóng hừng hực, ban đêm thì vắng bóng người, vì trung tâm huyện được quy hoạch xây dựng trên vùng đất đỉnh đèo Kim Tân đầy nắng, gió và khô khát.

Trung tâm huyện không… dân

Trung tâm huyện Ia Pa được quy hoạch theo đô thị loại V, thuộc một phần của xã Kim Tân và Ia Ma Rơn, có quy mô cụ thể như sau: Năm 2010 có từ 5.000 dân đến năm 2015 có 8.000 dân và đến năm 2020 có 12.000 dân; quy mô sử dụng đất đến năm 2015 từ 300 ha đến 400 ha và đến năm 2020 là 700 ha. Trên cơ sở quy hoạch đã được các cấp phê duyệt này, mới đây UBND huyện đã công bố cho toàn thể nhân dân được biết và triển khai thực hiện. Trước đó, UBND huyện đã triển khai phương án giao đất có thu tiền cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để xây dựng nhà ở và cho thuê đối với doanh nghiệp. Đồng thời triển khai từng bước công tác xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính và dân sinh như: Điện, đường, cấp nước sinh hoạt…

Đoạn đường trung tâm huyện Ia Pa. Ảnh: Đưc Phương
Đoạn đường trung tâm huyện Ia Pa. Ảnh: Đưc Phương

Dẫu vậy, đến nay khu vực trung tâm hành chính huyện Ia Pa cũng mới chỉ có trên chục hộ dân sinh sống, phần lớn là các hộ đã định cư từ trước khi chính quyền xây dựng khu trung tâm hành chính huyện và số ít là gia đình mới chia tách hộ, cùng một vài gia đình giáo viên làm nhà tạm ở lại cho tiện bề công tác. Gần chục hộ dân sinh sống ở đây chủ yếu là kinh doanh cà phê giải khát, cơm bụi… phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cán bộ, công chức, viên chức ở đây.

Mới đầu Xuân nhưng khu vực đèo Kim Tân đã nắng rộp da người. Đứng trên đỉnh dốc nơi ngã tư trung tâm huyện nhìn mỏi mắt về hai phía chỉ thấy hai bên toàn công sở Nhà nước. Ghé vào một quán nước hiếm hoi bên cạnh đường, chúng tôi được anh chủ quán thuyết minh thêm: “Ở đây ban đêm còn nóng huống chi ban ngày. Gần chục năm rồi mà số hộ chuyển đến ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các điều kiện thiết yếu phục vụ cuộc sống ở đây khó khăn và thiếu đủ thứ. Không có chợ nên muốn mua bán thứ gì cũng phải xuôi dốc mấy cây số xuống xã Ia Ma Rơn hoặc ngồi tại chỗ chấp nhận mua hàng của các “công ty hai sọt” với giá đắt mà chẳng tươi ngon gì; còn con cái phải leo dốc đến trường học xa lắc xa lơ thì khỏi phải nói…”.

Nhưng đó chưa phải là đã hết, có mặt ở đây chúng tôi còn được biết đến với một nguyên nhân khác quan trọng hơn: Do vùng đỉnh đèo Kim Tân này mạch nước ngầm rất thấp, khi đào giếng hay gặp phải đá bàn và chất lượng nước ở đây cũng được đồn đoán là không tốt cho sức khỏe, bơm lên được một lúc thì bị lắng cặn… nên người dân phải mua nước bình để ăn uống với chi phí đắt đỏ. Ngay như nhà ông chủ quán cơm ở đỉnh đèo chuyên phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở đây cũng vậy. Để có nước sinh hoạt, ông cũng phải thường xuyên mua với giá hơn trăm ngàn đồng một xe bồn nhỏ chừng vài khối nước. Một cán bộ của huyện cho biết: “Ở đây là trung tâm huyện 4 không: Không chợ, không bến xe, không dân và không nước sinh hoạt…”.

“Người nhà nước” cũng không đến ở

Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương

Năm 2002 khi thành lập huyện Ia Pa, đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện hầu hết được lấy từ Ayun Pa sang. Cho đến tận bây giờ, nhiều cán bộ, công chức, viên chức của huyện đều đã có nhà ở thị xã Ayun Pa hoặc huyện Phú Thiện, nên chỉ chờ hết ngày làm việc là họ lại trở về cùng gia đình. Để tìm cách giữ chân cán bộ, huyện Ia Pa đã triển khai chủ trương giao đất thu tiền 1.207 lô cho cán bộ, công chức đang công tác tại 56 cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cán bộ công chức 9 xã, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất giải phóng mặt bằng để lấy đất xây dựng trung tâm huyện cũng được giao đất theo dạng trên. Trong số này, đất giao cho cán bộ, công chức của huyện nhiều nhất với gần 700 lô, nằm tập trung hai bên 12 tuyến đường chính của huyện Ia Pa. Tiền thu mỗi lô dao động từ 18 triệu đồng đến 45 triệu đồng/lô với diện tích mỗi lô là 150 m2.

Thời điểm đó có nhiều chuyện bi hài xoay quanh chuyện bán đất thu tiền, bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức lo đua nhau chạy kiếm tiền để mong mua được một lô đất ở trung tâm huyện nhưng mục đích lại không phải để ở mà là để đầu cơ kiếm lời. Một cán bộ nọ sau khi nhanh tay mua được một lô đất 30 triệu đồng, vừa cầm bìa đỏ ra khỏi cơ quan đã bán lại được 50 triệu đồng, kiếm lời 20 triệu đồng ngon ơ mà hỏi ra anh cũng chưa xác định được lô đất của mình nằm ở vị trí nào trên thực địa. Cũng có cán bộ lúc đó nhờ quen biết mà nhanh tay giành được lô đất hai mặt tiền nơi sẽ làm ngã tư sau này, khi ra nhận đất, cầm trên tay sơ đồ quy hoạch lội vào vạch đám cỏ ra xem cười hân hoan bởi ý định đầu cơ được giá về sau. Ấy vậy nhưng đến giờ sau nhiều năm rao bán với giá bằng nửa lúc mua mà không ai hỏi đến, thậm chí bây giờ anh đã nghỉ hưu, lô đất đó cỏ vẫn mọc lút người, đường vẫn chưa khai thông…

Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Pa cho biết: Hiện các đối tượng giao đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2005 đến nay, đơn vị đã thông báo đến các đối tượng được cấp đất tiến hành nhận bàn giao mặt bằng để xây dựng nhà ở nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng khu trung tâm huyện. Tuy nhiên, sau khi nhận mặt bằng, các đối tượng chưa xây nhà vì trung tâm huyện chưa có nước cung cấp đến các tuyến đường quy hoạch khu dân cư. Vừa rồi, UBND huyện đã phải ra quyết định thu hồi hàng chục lô đất đã cấp trong diện này vì “không thể cứ để đất đã cấp mà bỏ hoang cho cỏ dại mọc mãi được”- một cán bộ huyện cho biết.

Tầm bốn, năm giờ chiều, đứng ở ngã ba Cây Xoài trên quốc lộ 25 nhìn thấy ô tô, xe máy biển xanh biển đỏ lần lượt rời cung đường cuối cùng của huyện Ia Pa để về lại thị xã Ayun Pa; nhiều người nói vui “Vợ ở đâu, thủ đô ở đó!” Cứ nhìn cách cán bộ, công chức, viên chức huyện Ia Pa vội vã rời công sở đi đâu, làm gì vào cuối mỗi buổi chiều; rồi những lúc tiếp khách, tiệc tùng họ tổ chức nơi nào thì mới hiểu: Hóa ra để trung tâm hành chính huyện Ia Pa phát triển thành thị trấn sầm uất có lẽ còn là một giấc mơ dài...

Theo Báo Gia Lai