Vài suy nghĩ về mô hình tăng trưởng không từ phát triển chiều rộng

29/01/2012 05:53 AM


Năm 2012, năm mà theo nhiều chuyên gia cho rằng lại tiếp tục có thể có những phát sinh tiêu cực mới khó lường và bất lợi cho sự phát triển và ổn định kinh tế-xã hội bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước chắc chắn còn nhiều biến động, nhất là khủng hoảng tài chính và bất ổn về an ninh chính trị tại nhiều quốc gia, khu vực.

Năm 2012, năm mà theo nhiều chuyên gia cho rằng lại tiếp tục có thể có những phát sinh tiêu cực mới khó lường và bất lợi cho sự phát triển và ổn định kinh tế-xã hội bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước chắc chắn còn nhiều biến động, nhất là khủng hoảng tài chính và bất ổn về an ninh chính trị tại nhiều quốc gia, khu vực.
 
Điều đó chắc chắn sẽ tác động xấu đến nước ta và không khỏi ảnh hưởng lớn đến tỉnh ta trong khi nền kinh tế thị trường đã từng bước hòa nhập với kinh tế thế giới. Những mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội khi đề ra cho năm 2012 này, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã có dự lường những khó khăn có thể gặp phải, và vì thế nên đã đề ra một số giải pháp khi triển khai có tính khả thi, mặc dù không phải sẽ không gặp những trở ngại.
 
Dốc hàm Rồng. Ảnh: Bích Hà
Dốc Hàm Rồng. Ảnh: Bích Hà
Vấn đề được đặt ra và quan tâm hàng đầu là không còn coi trọng việc đầu tư theo mô hình tăng trưởng vốn đã từ lâu tồn tại là theo chiều rộng, mà tập trung đầu tư phát triển chiều sâu. Theo chủ trương, giải pháp này là tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của đầu tư bằng cách áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh đi đôi với sử dụng lao động được đào tạo, có chất lượng cao và đội ngũ quản lý giỏi trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vấn đề này phù hợp với quy luật phát triển khi mà nền kinh tế đã dần đi vào ổn định với một hạ tầng sản xuất hiện đại, với những “cái máy” được đầu tư quy mô và tiên tiến, đội ngũ lao động được đào tạo, đặc biệt là đội ngũ những nhà quản lý, điều hành. Những vấn đề đó thực tế tại tỉnh ta cho đến thời điểm này còn khá nhiều việc để bàn. 
 
Với một tỉnh điểm xuất phát đi lên bằng một nền công nghiệp được đầu tư còn khá khiêm tốn, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế. Hạ tầng sản xuất còn yếu kém, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, chưa được đào tạo lành nghề. Đặc biệt là đội ngũ các nhà quản lý trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người giỏi chưa nhiều. Những điều này chắc chắn sẽ là những tác nhân bất lợi cho việc thực hiện chủ trương, giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu bằng cách ứng dụng tích cực những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến. 
 
Đường 14B. Ảnh: Bích Hà
Đường 14B. Ảnh: Bích Hà
Hơn nữa, đầu tư để phát triển “kiểu truyền thống” đối với một nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp- đặc biệt là công nghiệp chế biến và khai thác tài nguyên- một trong những thế mạnh, là lợi thế so sánh của một tỉnh mà giá trị sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn và tiềm năng nông lâm nghiệp và khoáng sản khá lớn, nguồn lao động dồi dào và rẻ vì thế yêu cầu đầu tư cho lĩnh vực khai thác, chế biến (chiều rộng) có thể nói vẫn là một thế mạnh đặc thù! Hệ thống giao thông, điện, nước công nghiệp tuy trong những năm qua đã có những khảo sát, quy hoạch, có chủ trương đầu tư theo quy hoạch từ các khu, cụm, điểm công nghiệp…, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, không đồng bộ; chưa “hút” được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh trong khi chúng ta cũng đã có những chính sách kêu gọi khá thông thoáng và nhiều ưu đãi với điều kiện có thể và trên cơ sở các chính sách chung của nhà nước. 
 
Giải quyết mâu thuẫn nói trên trong tình hình thực tế của tỉnh hiện nay không phải là một sớm một chiều. Giảm đầu tư phát triển theo chiều rộng, thắt chặt đầu tư công là một trong những giải pháp ổn định tiền tệ chống lạm phát là phù hợp quy luật, nhưng vấn đề còn lại là bài toán khó giải ở một tỉnh còn nghèo như Gia Lai, nếu không tiếp tục đầu tư phát triển chiều rộng sẽ ảnh hưởng không nhỏ cho tương lai. Nhiều công trình đang trong giai đoạn đầu tư dở dang bị cắt vốn, trùm mền, gây không ít lãng phí. Một đơn cử, hạ tầng giao thông nói chung và đường bộ nói riêng tác động trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, trong khi đó nhiều tuyến đường liên tỉnh, cả những tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua địa bàn đang trong thời kỳ xuống cấp nghiêm trọng đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng nhưng lại bị “thắt chặt”, vì thế đã xuống cấp càng xuống cấp hơn. 
 
Một vấn đề nữa, chúng ta đang khuyến khích đầu tư từ phía dân doanh- đầu tư toàn xã hội, năm nay dự kiến tăng 14,9% so với năm 2011 (khoảng 10.500 tỷ đồng), tất nhiên có định hướng từ phía nhà nước, nhưng trong bối cảnh tình hình giá cả của các mặt hàng nói chung và nguyên nhiên vật liệu, lương nhân công tăng, lãi suất ngân hàng không giảm mấy… liệu có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn để đầu tư vào những lĩnh vực theo… định hướng? 
 
Cái khó có thể “không bó được cái khôn”, nhưng với một điều kiện cần, thiết nghĩ là ngay từ những tháng đầu năm các ngành chức năng, các địa phương trên cơ sở chủ trương, giải pháp đã đề ra, tìm những biện pháp triển khai tích cực nhất trên những lĩnh vực, những ngành thuộc thế mạnh của mình. Công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm lên tầm cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài địa phương. Các chương trình mục tiêu đã đưa vào kế hoạch đầu tư phải nhanh chóng tổ chức triển khai. Cán bộ, nhất là những người đứng đầu địa phương, doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự thành công, sẽ là người biến “cái khó ló cái khôn”, sẽ là người “hóa giải” những mâu thuẫn khách quan nói trên trong quá trình phát triển. 
 
Chúng ta hy vọng lại một năm nữa đến cho dù còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt nhưng sẽ vượt qua, sẽ gặt hái những thành công lớn hơn năm cũ! 

Theo Báo Gia Lai