Sẽ không xảy ra thiếu hàng, “sốt” giá dịp Tết
17/01/2012 08:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo tổng hợp của Bộ Công Thương, đến nay công tác chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết đã được các Tập đoàn, Tổng công ty đầu ngành và các địa phương chuẩn bị chu đáo, hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và góp phần giữ ổn định giá cả dịp Tết.
Sẽ không xảy ra thiếu hàng, “sốt” giá dịp Tết - Ảnh minh họa
Các công ty lương thực đã chuẩn bị gần 60.000 tấn gạo các loại, dự trữ trên 165.000 tấn gạo, bố trí hàng trăm điểm bán hàng cố định, lưu động để phục vụ việc mua sắm.
Các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu đều có kế hoạch tăng dự trữ, huy động các nhà máy đáp ứng phụ tải và dự phòng, không thực hiện các hoạt động trên lưới có cắt điện trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh thị trường hàng hóa, ngành Giao thông Vận tải, Y tế cũng cho biết đã chỉ đạo kịp thời công tác phục vụ Tết Nguyên đán.
Đã có 29 địa phương thực hiện ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết với tổng số tiền trên 1.637 tỷ đồng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu của người dân như gạo, thịt, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ quả, đường, bột ngọt, muối… Hà Nội, TPHCM cũng đã triển khai mạnh mẽ các chương trình bình ổn giá. Trong đó Hà Nội tổ chức 665 điểm bán hàng bình ổn, gấp đôi năm ngoái; TPHCM tổ chức 2.546 điểm, tăng 358 điểm so với năm trước.
Đáng chú ý, sau một thời gian duy trì ở mức cao, hiện giá các loại thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm và các mặt hàng rau củ quả tại thị trường Bắc miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đang giảm. Đây là hiện tượng trái ngược với xu hướng thị trường cận Tết Nguyên đán các năm trước.
Tại các chợ ở TP Huế và TP Đông Hà, giá các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh. Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Đông Ba (TP Huế) cho biết nguồn hàng thực phẩm thiết yếu tập trung về chợ một tuần qua tăng mạnh, trong đó các loại rau quả tăng nhiều hơn cả.
Nguyên nhân, hàng ngàn ha rau các loại ở các huyện và thị xã ven TP Huế trồng lại sau các đợt mưa lũ cuối tháng 10 đầu tháng 11/2011 bắt cho đầu thu hoạch. Đồng thời, thương lái từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa thuê xe tải vận chuyển một khối lượng lớn rau bắp cải, su hào, súp lơ… cung ứng cho thị trường miền Trung.
Một nguyên nhân khiến nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu giảm là do UBND các tỉnh Bắc miền Trung đã giải ngân hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết.
Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu hàng hóa Tết tăng khoảng 20-30% so với ngày thường và 10% so với năm trước. Do thời gian trước đó, giá cả đã tăng nhiều nên đến thời điểm Tết, dự báo giá cả sẽ không tăng mạnh. Nếu có biến động, chủ yếu vào những ngày giáp Tết và tập trung ở các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây… Với sự chuẩn bị chủ động, Bộ Công Thương cho rằng thị trường sẽ không xảy ra tình trạng sốt giá, thiếu hàng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...