Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với thực tế cơ sở
09/01/2012 08:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội cho người nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, ở tại cơ sở, vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ.
Còn nhiều vấn đề chưa phù hợp
Theo số liệu từ Phòng LĐTB&XH huyện Quốc Oai, Hà Nội trong cả năm 2010, toàn huyện không mở được lớp dạy nghề nào theo Quyết định 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 của Chính phủ (Đề án 1956), còn trong năm 2011 cũng mới chỉ mở được 6 lớp cho 210 lao động. Trong đó có 2 lớp dạy may công nghiệp ở xã Yên Sơn, Đồng Quang; 1 lớp mây tre đan ở xã Sài Sơn, 1 lớp nghề hàn ở xã Tuyết Nghĩa và 2 lớp nấu ăn. Ông Phùng Quốc Tuệ, Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho biết, việc tuyển sinh để mở lớp nghề hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thu nhập từ nghề phụ thấp so với các công việc khác.
Bên cạnh đó, cả tay nghề cũng như nhận thức của người nông dân còn hạn chế nên dễ sinh tâm lý chán nản khi học nghề. Thêm nữa, vấn đề tiêu thụ sản phẩm sau khi học nghề còn khó khăn và giá cả không ổn định cũng khiến cho nhiều lao động băn khoăn khi đăng kí học nghề.
Theo phản ánh của nhiều địa phương, việc triển khai chương trình dạy nghề theo Đề án 1956 chậm ngoài lý do người dân không mấy mặn mà còn có nguyên nhân vướng mắc từ cơ chế thực hiện. Ông Đặng Viết Huệ, Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho rằng, do chưa có kinh phí cho cán bộ làm công tác dạy nghề nên một số địa phương chưa quan tâm tới công tác này. Hơn nữa, ở các xã chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề nên không có chuyên môn, trình độ để thẩm định giáo án, chương trình dạy học cho LĐNT trên địa bàn.
Kinh phí hỗ trợ dạy nghề hiện vẫn còn thấp, thủ tục chưa rõ ràng và việc thanh khuyết toán kinh phí dạy nghề từ thành phố xuống huyện, xã còn chậm. Lao động sau khi học nghề gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Thắng, chủ cơ sở dệt len Thắng Hội, thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, bình quân mỗi lao động dệt được 5 chiếc áo len/ngày, thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày. Nhưng nếu có tiền đầu tư máy dệt, mang về nhà làm thêm thì có thể có thu nhập 120.000 – 150.000 đồng/ngày nên nhiều chị em sau khi được dạy nghề muốn đầu tư mua máy dệt về nhà tự làm, tăng thêm thu nhập nhưng giá máy hiện khoảng 15 triệu đồng, không phải ai cũng có số tiền trên.
Cần nỗ lực tháo gỡ các “nút thắt”
Đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, các địa phương cần sớm tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho LĐNT, nhất là các vùng bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa.
Thực tế cho thấy, việc triển khai Đề án 1956 chậm là do nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền tới các tổ chức, đoàn thể và đông đảo người lao động trên địa bàn.
Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng công tác tuyên truyền, vận động nông dân theo các mục tiêu của Đề án cần phải được tăng cường cả về quy mô và các hình thức. Các hoạt động cần phải được triển khai một cách kiên trì, bền bỉ trong thời gian đủ dài thì mới có hiệu quả. Do đó, cần đa dạng và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền tại chỗ thông qua đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, qua hệ thống đài truyền thanh thôn, xã, qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở, qua các mô hình thực tế tại địa bàn.
Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn đang là một hướng đi hiệu quả hiện nay.
Một ví dụ cụ thể tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với Trường Trung cấp nghề Hà Nội vừa hoàn thành lớp học dạy nghề mây tre đan cho 35 học viên, trong đó toàn bộ là nữ. Ông Nguyễn Tất Tình, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Khuê, xã Sài Sơn cho biết: Trên địa bàn xã, lao động nữ khá nhiều trong khi đất nông nghiệp ít. Từ khi được học nghề mây tre đan, nhiều chị em có cơ hội tăng thêm thu nhập và tận dụng được thời gian nông nhàn. Do đó, trong đào tạo nghề cho LĐNT cần làm tốt công tác khảo sát nhu cầu để phân loại đối tượng, ngành nghề đào tạo một cách hiệu quả nhất.
UBND TP Hà Nội vừa có dự thảo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lĩnh vực dạy nghề được thành phố chú trọng là: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, chế biến nông sản, quản lý tưới tiêu, và một số nghề phi nông nghiệp như khảm trai, sơn mài, thêu, sản xuất hàng mây tre đan...
Đây được xem là nhóm ngành nghề đào tạo theo nhu cầu học của người lao động và yêu cầu của thị trường, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng ngành, từng địa phương.
Điều cần lưu ý nữa là, do nhận thức của đa số lao động nông thôn còn hạn chế nên trước mắt, cần tập trung vào các nghề dễ và gần gũi với người nông dân như trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi thú y… Các nghề khó học và khó thu hút được lao động như cơ khí, điện thì nên triển khai có lộ trình phù hợp để có thể thu hút được học viên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai tốt Đề án 1956, các bộ, ngành, cơ quan được giao trách nhiệm triển khai Đề án 1956 cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục, kinh phí, rong đó, đặc biệt chú ý tới cơ chế hỗ trợ học nghề, liên kết để tạo đầu ra cho lao động và sản phẩm nghề.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...