Tăng mức đóng BHXH không tác động nhiều đến thu nhập người lao động

03/01/2012 07:35 AM


Lộ trình tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) mà Luật BHXH quy định nhìn chung là hợp lý vì mức tăng đảm bảo không nhiều mà được thực hiện tăng dần trong thời gian dài, trách nhiệm chia cho cả người lao động và người sử dụng nên tác động đến lương thu nhập của người lao động không bị giảm sút nhiều.

Lộ trình tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) mà Luật BHXH quy định nhìn chung là hợp lý vì mức tăng đảm bảo không nhiều mà được thực hiện tăng dần trong thời gian dài, trách nhiệm chia cho cả người lao động và người sử dụng nên tác động đến lương thu nhập của người lao động không bị giảm sút nhiều.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết như vậy khi trao đổi với Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về việc tăng tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2012.

 


 
Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - Ảnh: Chinhphu.vn
 
PV: Theo quy định của Luật BHXH, Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2012, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc sẽ tăng so với hiện nay. Xin ông cho biết cụ thể hơn về mức tăng này?

 

Ông Nguyễn Hùng Cường: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 91 và Khoản 1, Điều 92 Luật BHXH thì người lao động đóng BHXH bắt buộc bằng 5% mức tiền lương, tiền công tháng, từ năm 2010 trở đi, cứ 2 năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%. Người sử dụng lao động đóng 16% trên quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của những người lao động và từ năm 2010 trở đi, cứ 2 năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 18%.

Như vậy, mức đóng BHXH bắt buộc hàng tháng từ ngày 1/1/2012 - 31/12/2013 cụ thể như sau:

- Người lao động đóng BHXH bằng 7% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.

- Người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của những người lao động là 17%.

Trách nhiệm chia cho cả người lao động và người sử dụng

PV: Như vậy, mức đóng BHXH bắt buộc của cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ tăng thêm 1%. Điều này được tính toán là có tác động đến lương thu nhập của người lao động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Việc quy định tăng mức đóng BHXH tất nhiên có ảnh hưởng đến lương thu nhập của người lao động so với trước. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê về mức đóng BHXH của các nước trên thế giới hiện nay thì tỷ lệ đóng BHXH của nước ta không phải mức cao và tỷ lệ đóng BHXH của người lao động so với người sử dụng lao động là rất thấp (khoảng 25% tổng số phải đóng BHXH), đa số các nước hiện nay tỷ lệ này là 50/50.

Mặt khác, theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tính trên tỷ lệ tiền lương theo ngạch, bậc hoặc tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động (so với thu nhập thực tế mức tiền lương, tiền công này thường thấp hơn khá nhiều). 

Như vậy, lộ trình tăng mức đóng BHXH mà Luật BHXH quy định nhìn chung là hợp lý vì mức tăng đảm bảo không nhiều mà được thực hiện tăng dần trong thời gian dài, trách nhiệm chia cho cả người lao động và người sử dụng nên tác động đến lương thu nhập của người lao động không bị giảm sút nhiều.

Việc quy định tăng mức đóng BHXH là một trong các biện pháp đảm bảo cho quỹ BHXH được cân đối bền vững, lâu dài nhằm thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH cho người lao động, nhất là lương hưu hàng tháng.

PV: Phần tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc tăng thêm này sẽ được bổ sung vào các nguồn quỹ nào và sử dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH thì quỹ BHXH bắt buộc bao gồm các quỹ thành phần là: Quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí và tử tuất.

Việc tăng thêm tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc từ năm 2010 trở đi, cứ 2 năm một lần tăng thêm mức đóng 1% đối với người lao động và 1% đối với người sử dụng lao động được quy định bổ sung vào nguồn quỹ hưu trí và tử tuất (quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức đóng vẫn giữ nguyên là 3% và 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của những người lao động).

Điều 90 Luật BHXH quy định quỹ BHXH bắt buộc được sử dụng như sau: Trả các chế độ BHXH cho người lao động theo quy định gồm: Chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và chế độ tử tuất; đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; chi phí quản lý; chi khen thưởng cho người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

Tình hình nợ bảo hiểm xã hội giảm

PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện đóng BHXH thời gian qua, liệu còn phổ biến tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động không?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Cùng với việc tăng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có thêm BHXH tự nguyện, Bảo hiểm thất nghiệp và với việc tăng mức tiền lương tối thiểu, số thu BHXH hàng năm từ khi triển khai thực hiện Luật BHXH đều tăng đáng kể.

Năm 2007 thu BHXH là 23.700 tỷ đồng, ước năm 2011 thu BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp là gần 65.000 tỷ đồng (tăng gần 3 lần). Trong đó có đóng góp của việc tăng cường các biện pháp truy thu tiền đóng BHXH đối với các đơn vị sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH, chậm đóng, nợ đọng BHXH và tiền lãi do chậm đóng, nợ đọng BHXH (năm 2010 thu được gần 200 tỷ đồng).

Nhìn chung, các năm gần đây do có chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam, UBND các cấp, phối hợp với các cơ quan liên quan, đa số người sử dụng lao động đã có thay đổi nhận thức trong việc chấp hành quy định pháp luật BHXH về thu, nộp BHXH nên số nợ BHXH có chiều hướng giảm dần.

Cụ thể, cuối năm 2007, số nợ BHXH là: 1.733,9 tỷ đồng (bằng 6,6% tổng số phải thu trong năm); đến cuối năm 2010, nợ BHXH là: 1.723 tỷ đồng (bằng 3,36% so với tổng số phải thu trong năm), ước đến cuối năm 2011 số nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng (bằng 3,2% so với tổng số phải thu trong năm).

Tình hình nợ BHXH giảm đã đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động khi thụ hưởng các chế độ BHXH.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình nợ tiền đóng BHXH của người sử dụng lao động vẫn xảy ra hầu hết ở các địa phương, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước với số tiền chiếm bình quân khoảng 3% số phải thu BHXH của năm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện quyền lợi cho người lao động khi thụ hưởng các chế độ, nhất là chế độ bảo hiểm thất nghiệp do không xác nhận đầy đủ, kịp thời thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH.

Ảnh minh họa

 

Việc nợ BHXH do một số nguyên nhân như: Việc chấp hành pháp pháp luật của một số đơn vị sử dụng lao động không nghiêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH chưa thường xuyên, kịp thời; mức lãi suất chậm đóng BHXH theo quy định hiện nay thường thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH...

PV: Theo ông thời gian tới cần biện pháp gì để đảm bảo triển khai đóng BHXH có hiệu quả hơn, nhất là khi tăng mức đóng BHXH?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Để đảm bảo triển khai đóng BHXH có hiệu quả hơn, thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ thực hiện 6 giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quản lý BHXH đảm bảo tính đồng bộ và khả thi; đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện theo định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, trong đó có quy định về quản lý thu, nộp BHXH.

Hai là, tăng cường và cải tiến công tác thông tin, tuyên truyền về BHXH để người sử dụng lao động, người lao động và mọi người dân biết, hiểu về quyền, nghĩa vụ, mục tiêu, lợi ích của BHXH và từ đó tự giác thực hiện tốt quy định pháp luật về  BHXH, nhất là việc thu, nộp BHXH.

Ba là, tăng cường các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để quản lý đầy đủ, kịp thời đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ở Trung ương, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội để quản lý tốt đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và đảm bảo giảm nhanh số nợ BHXH.

Bốn là, thực hiện cải cách hành chính trong toàn ngành thông qua việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa liên thông ở các đơn vị trong hệ thống BHXH Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý của ngành.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất của ngành nhằm từng bước thực hiện hiện đại hoá quản lý BHXH, nhất là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với quản lý của ngành để đáp ứng với việc quản lý đối tượng tham gia, tình hình thu nộp BHXH, giải quyết và chi trả chế độ BHXH cho người lao động ngày càng tốt hơn.

Sáu là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng và có chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp; có phẩm chất chính trị vững vàng; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; có tinh thần trách nhiệm để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Chinhphu.vn