Nghị quyết 39 tạo bước phát triển mới cho Quảng Ngãi

12/12/2011 08:01 AM


Sáng 11/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về thực hiện hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Sáng 11/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về thực hiện hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu  các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở cần tạo sự thống nhất và quyết tâm trong tư tưởng và hành động cụ thể nhằm đưa Nghị quyết Trung ương đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa, sau gần 7 năm thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển đột phá toàn diện về KT-XH, quốc phòng an ninh, đời sống nhân dân có sự khởi sắc rõ rệt.

 

Trong giai đoạn 2006-2010, GDP của tỉnh tăng bình quân 18,7%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2001-2005. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.232 USD, gấp 3,16 lần năm 2006. Tổng vốn đầu tư phát triển sau 5 năm đạt 87.771 tỷ đồng, thu ngân sách hàng năm luôn vượt dự toán. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 58,1%/năm, gấp 4,4 lần thời kỳ 2001-2005.

Giá trị ngành dịch vụ tăng bình quân 13,6%/năm, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 29%/năm, tốc độ tăng thu du lịch bình quân giai đoạn 2007-2010 đạt 21,1%. Đặc biệt Khu kinh tế Dung Quất có bước phát triển mới, tác động mạnh đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Tại khu vực nông thôn, số hộ nghèo của tỉnh còn 27,4% (73.345 hộ). Hiện nay, tỉnh đã rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới ở 166/166 xã và đang tiến hành phê duyệt các quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới tại 164 xã và triển khai thực hiện tại 33 xã điểm thuộc 13 huyện.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị một số nội dung với Trung ương như sớm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo vùng lãnh thổ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2015, xét đến năm 2020 để địa phương có định hướng đúng và mới về phân công giữa các tỉnh trong vùng.

Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, tạo bước đột phá mới thúc đẩy toàn vùng, tăng nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của Trung ương phù hợp với đặc thù của vùng và mỗi tỉnh với các mục tiêu cấp thiết như xây dựng tuyến đê biển, đê sông, kè chống sạt lở, cảng biển.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Nhà nước có chính sách đặc thù về đầu tư để có thể tạo sự phát triển đột phá đối với huyện đảo Lý Sơn, trong đó có vấn đề sớm cung cấp điện đầy đủ cho huyện, hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế biển của đất nước.

Các đại biểu Đoàn công tác Trung ương cũng cho rằng Quảng Ngãi cần nhanh chóng đầu tư vào 6 huyện miền núi hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội... Đây là những nền tảng cơ bản để phát triển bền vững, nâng cao niềm tin của  đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Quảng Ngãi đã đạt được qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, việc triển khai một số vấn đề cụ thể của Nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt. Một số chỉ tiêu về xã hội chưa đạt, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đạt yêu cầu, dịch vụ trong cơ cấu chung còn thấp, chất lượng chưa cao; nông thôn mới và miền núi còn nhiều khó khăn, lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nguồn thu tăng cao nhưng thu nội địa còn thấp; môi trường đầu tư chưa đạt yêu cầu thể hiện ở chỉ số cạnh tranh thấp trong cả nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở cần tạo sự thống nhất, đoàn kết và quyết tâm trong tư tưởng và hành động cụ thể nhằm đưa Nghị quyết Trung ương đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, tỉnh tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, làm chuyển biến sâu sắc trong mỗi cán bộ, đảng viên với việc chấp hành nghiêm túc kỷ cương; lắng nghe và xử lý những vấn đề mà dân quan tâm; chú trọng giải quyết việc làm cho nhân dân có thu nhập tại chỗ; bảo đảm quốc phòng an ninh; chú trọng công tác chiến lược biển đảo bằng những việc làm sáng tạo; quan tâm đặc biệt đến giảm tỷ lệ nghèo đói, nâng cao dân trí, đổi mới việc giao rừng cho dân.

Trong chỉ đạo thực hiện phải quyết liệt, có trọng tâm, không phân biệt các thành phần kinh tế. Tỉnh cần phát huy nguồn lực đất đai, khoáng sản ở địa phương, có cơ chế thu hút đầu tư rõ hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở; chú ý phân cấp cho huyện, nhất là miền núi, hải đảo.

Trước mắt, Quảng Ngãi cần triển khai Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tiến hành kiểm tra đôn đốc, giao việc cụ thể cho cá nhân chịu trách nhiệm, chủ động phối hợp giữa Trung ương và địa phương tốt hơn nữa.

Các bộ ngành liên quan cần quan tâm xử lý kiến nghị của Quảng Ngãi, đồng thời kiểm điểm những tồn tại trong quá trình xử lý công việc với địa phương.

Theo Chinhphu.vn