Nhất quán các chính sách vĩ mô, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp thực tế

11/11/2011 07:36 AM


Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa được ban hành ngày 9/11, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương kiên trì thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô, theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa được ban hành ngày 9/11, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương kiên trì thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô, theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.

 

Chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý - Ảnh minh họa

Nghị quyết nêu rõ: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiềm chế và tiếp tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,36%, thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ 3 liên tiếp có mức tăng dưới 1%.

 

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đứng trước nhiều khó khăn: Lạm phát và lãi suất tuy đã giảm dần nhưng còn cao; sản xuất kinh doanh của một bộ phận khá lớn doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; thiên tai, lũ lụt xảy ra bất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp… Trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, áp lực lạm phát sẽ gia tăng, sức ép tỷ giá lớn, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường.

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương kiên trì thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã được đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ đầu năm đến nay; nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô, theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, theo sát tín hiệu thị trường; thực hiện các biện pháp kiểm soát, ổn định tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng.

Đồng thời, có kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý (khoảng 12 – 13% cho cả năm 2011).

Tập trung tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho chế biến nông sản, thủy sản để xuất khẩu và tiêu thụ, tập trung hỗ trợ vốn để khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương bị thiên tai tàn phá nặng nề.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2011.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp quyết liệt để kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát tình hình thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/11/2011.

Thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa khóa thắt chặt, kết hợp với chính sách tiền tệ chặt chẽ. Tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011, kết hợp quản lý chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi; chỉ đạo, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường giá cả, nhất là trong các tháng cuối năm; nghiên cứu, đề xuất việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và kéo dài thời gian miễn, giảm, dãn thuế cho các doanh nghiệp.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bảo đảm bố trí vốn tập trung, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên các dự án hoàn thành sớm, các công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, đối ứng ODA, các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, an ninh quốc phòng.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại, chủ động phòng chống thiên tai

 

Cho đến hết tháng 10 năm 2011, Chính phủ đã hỗ trợ vùng bị lũ lụt với tổng số tiền là 397 tỷ đồng, 1.300 tấn gạo, tạm ứng 47 tỷ đồng hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi; đang tiếp tục xem xét hỗ trợ các địa phương để cứu đói, khôi phục và phát triển sản xuất.

Trước sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ kịp thời cho những gia đình mất nhà cửa, tài sản; huy động các lực lượng, phương tiện để cứu trợ kịp thời cho người dân ở các địa bàn còn bị cô lập; triển khai các biện pháp khôi phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

 

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động phòng chống thiên tai, nhất là tại khu vực miền Trung đang thời kỳ lũ chính vụ; tu bổ đê bao, bờ bao vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm kế hoạch sản xuất.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, tập trung vào các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm giải quyết chính sách về việc làm trong điều kiện các doanh nghiệp khó khăn, phá sản; kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp.

Khắc phục ùn tắc giao thông, xử lý kịp thời dịch bệnh

Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông. UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần chủ động chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thống nhất xây dựng phương án giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; chủ động các biện pháp phòng, chống, khống chế, xử lý kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng.

Theo Chinhphu.vn