Hạn chế tác động tiêu cực của biến động giá cả

09/11/2011 07:52 AM


Các đại biểu Quốc hội nhận định việc ban hành Luật Giá sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực từ những biến động giá cả đến kinh tế xã hội và đời sống người dân.

Các đại biểu Quốc hội nhận định việc ban hành Luật Giá sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực từ những biến động giá cả đến kinh tế xã hội và đời sống người dân.

Chiều 8/11, các đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về hai dự án luật lần đầu được đưa ra Quốc hội là dự án Luật Giá và dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đa số các đại biểu cho rằng việc ban hành 2 Luật trên là  cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hai điểm mạnh của dự thảo Luật Giá

Đại biểu Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhận định, 2 điểm mạnh của dự thảo Luật Giá là tạo ra một cơ chế để các cá nhân, tổ chức kinh doanh tự định giá theo tín hiệu thị trường và nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước trong điều kiện có biến động nhất định.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, trường hợp bình ổn giá như trong dự Luật (khi giá hàng hóa có biến động bất thường, khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến kinh tế xã hội) là chung chung, không cụ thể. Cần phải định lượng việc biến động giá là bao nhiêu để bình ổn.

Đối với các danh mục bình ổn giá, dự luật quy định gồm nguyên, nhiên vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản như ăn, mặc, ở, học tập, đi lại, chữa bệnh. Nhiều đại biểu nói quy định như trong dự luật không rõ ràng, nên khó có thể xây dựng chính sách và nguồn lực bình ổn khi thị trường có biến động.

Về việc định giá, dự Luật quy định “hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước”, “tài nguyên quan trọng”, “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu,…” sẽ do Nhà nước định giá. Các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng do Nhà nước định giá.

Liên quan đến việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa qua đã thực hiện việc chuyển giá để trốn thuế, đại biểu Trần Thanh Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) và Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) đề nghị dự Luật giá cần đề cập đến việc chuyển giá.

Theo đại biểu Châu Thị Thu Nga, cần phải nhìn nhận việc chuyển giá ở góc độ toàn diện, khác với hành vi trốn thuế. Chuyển giá không chỉ gây thất thu thuế, tăng nhập siêu mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Làm rõ hơn giải pháp xã hội hóa giáo dục, phổ biến pháp luật

Thảo luận về dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đa số các đại biểu đều nhìn nhận rằng những năm qua công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có những tiến bộ tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác tuyên truyền và chấp hành pháp luật hiện nay.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần xác định rõ hơn các giải pháp xã hội hóa công tác phổ  biến giáo dục pháp luật. Hiện, chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để thu hút mọi tổ chức xã hội, cá nhân tham gia vào phổ biến, giáo dục pháp luật nên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn so với công sức và tiền bạc bỏ ra.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần quy định tổ chức, cá nhân nào tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật thì được hỗ trợ (thuế, vốn vay,…) như thế nào để có thêm nguồn lực đầu tư trở lại cho hoạt động…

Về nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất cần bổ sung tính gương mẫu trong phổ biến, giáo dục pháp luật đối với những người có chức vụ, quyền hạn…

Về phổ biến, giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp, nhiều đại biểu yêu cầu cần quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật chứ không chỉ là tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật như trong dự thảo.

Đại biểu Trương Thị Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị dự thảo phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành địa phương khác trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số ý kiến kiến nghị dự Luật cần xác định hành vi nào là vi phạm trong phổ biến, giáo dục pháp luật và có chế tài xử phạt để đảm bảo tính đúng đắn của luật pháp.

Theo Chinhphu.vn