Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Cơ yếu

02/11/2011 07:31 AM


Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cơ yếu.

Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cơ yếu.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Đa số các đại biểu đồng tình trước Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cơ yếu do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày.

 

Một trong những điểm được các đại biểu quan tâm đó là vị trí của cơ quan cơ yếu Trung ương, tức Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện nay đang trực thuộc Bộ Nội vụ.

Đa số các ý kiến đề nghị nên chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an. Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) , Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng  với chức năng bảo vệ bí mật quốc gia trong việc truyền tải  thông tin, việc chuyển Ban Cơ yếu sang trực thuộc Bộ Quốc phòng là hợp lý hơn bởi Bộ Quốc phòng có truyền thống và bề dày kinh nghiệm quản lý, sử dụng lực lượng cơ yếu. Trong thực tế, số lượng người làm công tác cơ yếu trong hệ thống cơ yếu Quân đội chiếm tỷ lệ cao (trên 45%).

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, do Ban Cơ yếu là cơ quan độc lập, không phải là một đơn vị trong hệ thống của tổ chức lực lượng vũ trang, do đó nếu chuyển sang Bộ Quốc phòng vẫn cần giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay để bảo đảm tính ổn định.

Một số  ý kiến còn băn khoăn vấn đề cơ quan dân sự nằm trong cơ quan quân sự. Theo đó, Ban Cơ yếu có nhiệm vụ  tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phần mật mã, còn các vấn đề khác báo cáo Chính phủ. Vì vậy, nên để Ban Cơ yếu Chính phủ là một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ , hoặc Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Về chế độ chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, người làm công tác cơ yếu được lựa chọn kỹ càng, bao gồm cả phẩm chất đạo đức, chính trị  nhưng các chính sách ưu đãi, chế độ còn hạn chế. Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) dẫn ví dụ, có đồng chí làm 25 năm trong lĩnh vực cơ yếu nhưng chế độ phụ cấp hiện chỉ hơn 200.000 đồng mỗi tháng.

Theo các đại biểu Đinh Xuân Thảo ( Hà Nội), Đặng Đình Luyện (Khánh Hòa) cần có chế độ, chính sách đặc thù, quy định cụ thể chế độ chính sách đối với từng đối tượng trong tổ chức cơ yếu theo tính chất nhiệm vụ được giao để khuyến khích người làm cơ yếu chuyên tâm với công việc.

Về nghĩa vụ trách nhiệm của người làm cơ yếu, đa số các ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo chưa cụ thể, cần nghiên cứu và quy định cụ thể cơ chế tuyển chọn đội ngũ làm công tác cơ yếu. Một số ý kiến cho rằng công tác cơ yếu là công tác cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, tiêu chuẩn người làm công tác cơ yếu cần có yêu cầu cao hơn, đặc biệt là về chính trị.

Ngoài ra, một số vấn đề cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, về triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu, tuổi làm việc của người làm công tác cơ yếu cũng được các đại biểu quan tâm.

Một số ý kiến đề nghị nên quy định người làm công tác cơ yếu  được nghỉ hưu trước thời hạn 5 năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , cơ quan xây dựng dự thảo đã căn cứ vào Bộ luật Lao động, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cán bộ công chức…, các luật này đã quy định  độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với tính chất công việc của từng đối tượng có liên quan. Trên cơ sở các ý  kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật tại khoản 2 Điều 27 sẽ được chỉnh lý theo hướng tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp tổ chức cơ yếu có nhu cầu, người làm công tác cơ yếu có trình độ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ không quá 5 năm theo quy định của Chính phủ.

Dự kiến, dự thảo Luật Cơ yếu sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

Theo Chinhphu.vn