Hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán - Nguồn cung dồi dào

24/10/2011 06:41 AM


Còn hơn 3 tháng nữa mới đến tết nhưng tại thời điểm này, ngành công thương cũng như các doanh nghiệp (DN) của TPHCM cơ bản đã hoàn thành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cao điểm mua sắm cuối năm của người dân. Theo đó, lượng hàng hóa được xác định từ 3 nguồn cung chính: các DN bình ổn với khả năng cung ứng chiếm 30%-40% thị phần; 3 chợ đầu mối chiếm 40%-50% và từ các DN khác.

Còn hơn 3 tháng nữa mới đến tết nhưng tại thời điểm này, ngành công thương cũng như các doanh nghiệp (DN) của TPHCM cơ bản đã hoàn thành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cao điểm mua sắm cuối năm của người dân. Theo đó, lượng hàng hóa được xác định từ 3 nguồn cung chính: các DN bình ổn với khả năng cung ứng chiếm 30%-40% thị phần; 3 chợ đầu mối chiếm 40%-50% và từ các DN khác.

  • Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá

Vào những ngày này, nhân viên kinh doanh của hầu hết các DN tham gia chương trình bình ổn giá đã và đang ngược xuôi về các tỉnh để nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất nguồn cung cho thị trường TP.

Tại Liên hiệp HTX Thương mại TP (Saigon Co.op), hệ thống “chân rết” trong chuỗi kết nối và cung ứng hàng hóa năm nay không ngừng được mở rộng tại các vùng miền, thông qua việc ứng vốn, đặt hàng trước cho các nhà vườn, HTX.

Rau củ quả là một trong 9 nhóm mặt hàng được TPHCM đưa vào danh sách bình ổn giá. Ảnh: Chọn rau xanh bình ổn giá bán tại Co.opMart Đinh Tiên Hoàng.

Theo tính toán của bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, năm nay thời tiết thất thường, cộng với giá cả nhiều loại lương thực, thực phẩm biến động khó lường, do vậy việc tăng cường ứng vốn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, mua tận gốc, bán tận ngọn, đã được Saigon Co.op triển khai khá sớm, với tổng số tiền lên đến gần 2.800 tỷ đồng. Đối với nhiều loại hàng công nghệ phẩm (có thể dự trữ sớm), Saigon Co.op đã lưu kho đủ lượng hàng cần thiết. Với các loại trái cây, rau củ quả, liên hiệp cũng không ngừng tìm tòi những đối tác tiềm năng. Những năm trước, xoài cát Hòa Lộc nguồn cung chủ yếu từ các HTX ở Tiền Giang, năm nay Saigon Co.op đặt thêm hàng cho một số đối tác ở tận Kiên Giang...

Sau 9 năm triển khai công tác bình ổn giá, bài học kinh nghiệm được bà Bùi Hạnh Thu đúc kết, đó là phải chủ động được nguồn hàng thì mới có thể làm chủ được giá bán. Để làm được việc này, ngoài việc ứng vốn trước cho các nhà vườn và hỗ trợ về kỹ thuật, Saigon Co.op còn cam kết sẽ mua hàng với giá thị trường để đảm bảo người dân không bị thiệt thòi.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cũng cho rằng, công tác chuẩn bị và dự trữ hàng hóa tại các DN bình ổn đang được triển khai khẩn trương và gặp nhiều thuận lợi. Điểm đáng mừng của chương trình bình ổn năm nay là thu hút được nhiều DN cùng tham gia, nên đã tạo sự cạnh tranh lớn về giá.

Ở mặt hàng gia cầm, những năm trước chỉ có các công ty: Huỳnh Gia Huynh Đệ, Phú An Sinh và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung ứng, năm nay có thêm các đơn vị mới như Phạm Tôn, San Hà... Ngoài thế mạnh về giá, các DN cũng chủ động được nguồn cung tăng gấp nhiều lần so kế hoạch được giao. Theo Sở Công thương, với lượng hàng tham gia thị trường tết, thịt gia cầm dự kiến chiếm khoảng 85%, thịt gia súc 32%; trứng gia cầm 65%; thực phẩm chế biến và đường chiếm 48%; dầu ăn 43%… Tổng nguồn vốn của 22 DN tham gia bình ổn sử dụng để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng trong 3 tháng trước, trong và sau tết lên đến 5.566 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chuẩn bị cho hàng bình ổn 2.830 tỷ đồng.

  • Khó biến động về giá

Cùng với việc dự trữ nguồn hàng, một trong những vấn đề quan trọng khác, đó là giá hàng dịp tết. Và đáng mừng, theo dự báo của hầu hết các DN, giá bán các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm sẽ ít có khả năng biến động. Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay, hàng hóa đã hình thành mặt bằng giá mới, đã cao hơn 15%-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tăng đã ảnh hưởng rất lớn tới mức cầu, do đó, để quay vòng nhanh đồng vốn, đẩy nhanh lượng hàng tồn, các DN phải tìm mọi cách để giữ giá.

Để chủ động được nguồn trái cây dồi dào phục vụ tết, Saigon Co.op đã ứng vốn cho các nhà vườn, HTX và mua lại với giá thị trường.

Theo bà Bùi Hạnh Thu, cho đến nay, giá bán hầu hết các mặt hàng đã và đang ổn định ở mức cao. Siêu thị chưa nhận được thông báo mới của các nhà cung cấp về việc điều chỉnh tăng giá. Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nguồn cung đang dồi dào đã tạo điều kiện tốt cho công tác chuẩn bị và dự trữ hàng hóa. Tóm lại với những nhóm hàng nằm trong chương trình bình ổn giá, sẽ ít có khả năng biến động về giá.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cũng cho rằng, giá heo hơi trên thị trường hiện đứng ở mức thấp, từ 48.000 - 49.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ nay đến tết, giá heo hơi có thể biến động chút ít vì nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, lũ lụt... nhưng khó vượt qua mức đỉnh điểm 60.000 - 64.000 đồng/kg như thời điểm tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Theo ông An, hiện Vissan cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn cung, cho nên từ nay đến tết, giá các sản phẩm của Vissan sẽ tiếp tục ổn định.

Riêng với mặt hàng thịt gia cầm, nhiều dự báo cho rằng, do một thời gian dài giá thịt heo tăng cao nên người dân đã chuyển qua dùng thịt gia cầm. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trang trại đã tăng tổng đàn quá lớn, đến khi giá heo hơi giảm, kéo theo giá gia cầm giảm nhanh so với dự tính của người nuôi. Với tình hình này, giá thịt gia cầm nhiều khả năng sẽ còn giảm.

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, hàng hóa phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm sẽ rất đa dạng, phong phú. Các DN bình ổn đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng. Từ nay đến tết, Sở Công thương TP sẽ giao ban thường xuyên, kết hợp với việc kiểm tra giám sát chặt tiến độ thực hiện của các DN, nhằm nắm chắc tình hình, dự báo tốt diễn biến thị trường, từ đó tham mưu kịp thời cho UBND TP tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo SGGPO