Chính phủ họp phiên chuyên đề: Đóng góp ý kiến xây dựng 9 dự thảo Luật, Bộ luật
16/09/2011 08:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hôm qua (15/9), Chính phủ đã họp Phiên họp chuyên đề đóng góp ý kiến xây dựng đối với Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và 8 dự thảo Luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ý kiến về các Dự thảo Luật - Ảnh Chinhphu.vn
Cụ thể, 8 Dự thảo Luật là Xử lý vi phạm hành chính; Quảng cáo; Phòng chống tác hại của thuốc lá; Tài nguyên nước (sửa đổi); Giáo dục đại học; Giá; Phòng chống rửa tiền và Bảo hiểm tiền gửi.
Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe dự thảo Tờ trình; báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về các Dự thảo Luật nói trên do lãnh đạo các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày.
Sửa đổi những bất cập
So với Bộ Luật Lao động hiện hành (gồm có lời nói đầu, 17 chương và 223 điều), Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vẫn giữ nguyên số chương là 17 chương và nâng số điều lên 277 điều (trong đó giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 68 điều).
Theo nhận định của các thành viên Chính phủ, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định tương đối toàn diện những nội dung cơ bản của quan hệ lao động; tôn trọng và đề cao quyền tự chủ thỏa thuận của các bên trong quan hệ lao động. Quy định về các tiêu chuẩn lao động có nhiều đổi mới, phù hợp với các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động có tác dụng khắc phục được một phần những bất cập trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động và đình công…
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ Luật này như về đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn; thỏa ước về lao động tập thể ngành; thời gian làm thêm giờ; tổ chức đại diện người sử dụng lao động; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ…
Một số ý kiến đề xuất, Dự thảo Luật này nên có nội dung đề cập tới vấn đề đối thoại, có cơ chế đối thoại ở doanh nghiệp thường kỳ trong thời gian ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp; xem xét, quy định chặt chẽ hơn nội dung về đình công, làm thêm giờ; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp, đình công… Đề xuất nên quy định cụ thể số giờ làm thêm trong 1 tuần, hoặc 1 tháng, không nên quy định theo năm nhằm tránh tình trạng người lao động bị chủ doanh nghiệp yêu cầu phải làm thêm giờ quá nhiều trong tháng, trong tuần trong khoảng thời gian nhất định theo thời vụ.
Một số ý kiến đề nghị cần tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Về đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn, có ý kiến đề nghị ở doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, người lao động bầu “Đại diện tập thể lao động” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể người lao động. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất đại diện của người lao động của doanh nghiệp sẽ do công đoàn cấp trên cơ sở (cấp quận, huyện, ngành…) làm đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.
Đối với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và một số ý kiến thành viên Chính phủ đề xuất không nên quy định tuổi nghỉ hưu ở Dự thảo Bộ Luật này mà nên quy định ở Luật Công chức, viên chức.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Bộ Luật này phải bao trùm tất cả cán bộ, công chức, viên chức bởi các đối tượng này cũng đều là người lao động và Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) quy định về tuổi về hưu và một quy định khác đối với đối tượng lao động là cán bộ, công chức, viên chức là phù hợp.
Nhấn mạnh đây là Bộ Luật rất lớn, liên quan đến tất cả mọi người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện; cố gắng tiếp thu để sửa đổi những vấn đề bức thiết mà thực tiễn đã rõ, những vấn đề còn đang thực hiện thí điểm thì chưa nên đưa vào Dự thảo Bộ Luật này.
Vấn đề về làm thêm giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần quy định thế nào để bảo vệ được sức khỏe của người lao động; điều kiện làm việc của người lao động… không nên quy định cứng nhắc về số giờ bởi trên thực tế có những người đủ sức khỏe, có mong muốn làm thêm giờ để có thu nhập cho cuộc sống. Vấn đề quy định nghỉ thai sản của lao động nữ cũng cần xem xét thực tế, bởi nhiều người cuộc sống gặp khó khăn, họ có nhu cầu thực sự được lao động, mưu sinh, kiếm sống… vì vậy nên có quy định linh hoạt về thời gian nghỉ thai sản để phù hợp với thực tế, với ý nguyện, mong muốn của người lao động nữ nghỉ thai sản.
Ảnh Chinhphu.vn
Đảm bảo tiến độ xây dựng, hoàn thiện các dự án luật
Thảo luận về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính; vấn đề Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính; vấn đề tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đại diện hợp pháp của đối tượng vi phạm đối với một số vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt; vấn đề xác định cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tư Pháp tiếp thu các ý kiến thảo luận và sớm hoàn chỉnh Dự án Luật này; đồng thời nhấn mạnh Dự án Luật phải được xây dựng theo quan điểm phạt là để giáo dục, dể răn đe chứ không phải phạt là để cho tồn tại.
Trên thực tế hiện nay, ở nhiều lĩnh vực, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là không đủ sức răn đe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Với 5 chương và 42 điều quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cán nhân tham gia quảng cáo; hoạt động quảng cáo; xử lý vi phạm trong quảng cáo; quản lý quảng cáo có yếu tố nước ngoài… các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Luật Quảng cáo là hết sức cần thiết bởi hiện nay hệ thống pháp luật về quảng cáo đang có những bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của hoạt động quảng cáo.
Hiện, Pháp lệnh Quảng cáo là văn bản quy định tương đối toàn diện về hoạt động quảng cáo, tuy nhiên do sự phát triển của hoạt động quảng cáo nên cũng đã có nhiều nội dung chưa được điều chỉnh hoặc không phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và một số thành viên Chính phủ đề xuất, Dự thảo Luật cần làm rõ hơn, chặt chẽ hơn các nội dung về hành vi cấm quảng cáo; xử lý vi phạm quảng cáo; vấn đề đảm bảo tính trung thực đối với hoạt động quảng cáo hàng hóa thương mại; có quy định cụ thể về thời lượng quảng trên các phương tiện thông tin truyền thông…
Về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị nên tiếp tục xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, theo đó nên đưa nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Luật này theo đúng tiến độ.
Đối với Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, hầu hết các thành viên Chính phủ đều nhất trí với tên gọi, bố cục cũng như các điều trong Dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến đồng ý với tỷ lệ in 50% hình ảnh và chữ cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì thuốc lá như Dự thảo Luật; song cũng có ý kiến cho rằng nên in với tỷ lệ % cao hơn để tăng cường tính cảnh báo về tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, cũng có có ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, Dự thảo Luật có có cả 1 chương về các biện pháp kiểm soát nguồn cung thuốc lá, từ đó đề xuất nên đổi tên Dự thảo Luật này thành Dự thảo Luật Kiểm soát thuốc lá và Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Về Dự thảo Luật Giáo dục đại học, các thành viên Chính phủ đã thảo luận cho ý kiến đối với một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về Hội đồng trường; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học; mô hình của Đại học quốc gia…
Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định Hội đồng trường nhằm tránh sự trùng lặp, tránh sự phân định rõ ràng phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền và mối quan hệ giữa “Đảng ủy – Ban Giám hiệu – Hội đồng trường”; đồng thời cũng không cần thiết đưa quy định về vị trí, vai trò và mô hình của Đại học quốc gia trong dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật có quy định cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ nhiều mặt, nhưng chưa xác định được các tiêu chí pháp lý về quyền tự chủ, chưa quy định chế độ pháp lý đối với trường không được giao quyền tự chủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị duy trì mô hình Đại học Quốc gia là đại học 2 cấp tồn tại song song với một số trường Đại học 2 cấp khác.
Ngoài ra, tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng cho ý kiến đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá; hoạt động thẩm định giá của Nhà nước… trong Dự thảo Luật Giá (gồm 5 chương 50 điều). Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về mô hình bảo hiểm tiền gửi; hình thức pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi… trong Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm 7 chương, 47 điều) và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh; khái niệm tài sản; cơ chế phong tỏa, tịch thu tài sản… trong Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (gồm 5 chương 50 điều).
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...