Kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông là nhiệm vụ cấp bách

15/09/2011 05:04 AM


Việc kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu cần được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị quan tâm quyết liệt với các biện pháp toàn diện, lâu dài.

Việc kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu cần được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị quan tâm quyết liệt với các biện pháp toàn diện, lâu dài.

 

 

Phó Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Ảnh: Chinhphu.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sáng 14/9.

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Thân Văn Thanh.

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tình hình tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, khi trong 8 tháng qua, cả nước xảy ra 8.984 vụ tai nạn giao thông, làm 7.550 người chết, 6.908 người bị thương. So với 8 tháng đầu năm 2010, tăng 43 người chết, 184 người bị thương. Đặc biệt, tai nạn giao thông đường sắt tăng 42 người chết và 40 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua 8 tháng, có 17 tỉnh giảm về cả 3 tiêu chí là số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, có 15 tỉnh, thành lại tăng cả 3 tiêu chí trên.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn 8 tỉnh chưa kiện toàn Ban An toàn giao thông cấp tỉnh như Bình Định, Đồng Tháp, Yên Bái, Gia Lai, Vĩnh Long…

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng kiến nghị một số giải pháp cần thực hiện từ nay đến cuối năm 2011 như bổ sung, sửa đổi một số quy định tại Nghị định 11/NĐ-CP năm 2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 34/NĐ-CP năm 2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó là việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn chặn người điều khiển giao thông điều khiển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép; tăng cường xử lý lái xe khách vi phạm các quy định về tốc độ, đón trả khách sai nơi quy định; nghiêm khắc xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là học sinh – sinh viên chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe; tăng cường công tác tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu cần được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị quan tâm quyết liệt, sát sao với các biện pháp thực hiện một cách toàn diện, lâu dài.

Đồng ý với một số giải pháp quyết liệt lập lại trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới mà các thành viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện quy chế làm việc, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất của Ủy ban nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này, qua đó phát huy vai trò của mình trong công tác kiềm chế tai nạn giao thông thời gian tới.

Theo Chinhphu.vn