Không chủ quan với tình hình dịch gia súc, gia cầm

14/09/2011 07:46 AM


Trong 2 tuần qua, toàn quốc đã phát sinh thêm 3 ổ dịch cúm gia cầm (H5N1), 3 ổ dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là không có dịch tai xanh phát sinh.

Trong 2 tuần qua, toàn quốc đã phát sinh thêm 3 ổ dịch cúm gia cầm (H5N1), 3 ổ dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là không có dịch tai xanh phát sinh.

 

 Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là những con số được Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong cuộc họp chiều 13/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm.

 

3 ổ dịch này xuất hiện tại Quảng Ngãi, Thái Bình và Quảng Trị. Các địa phương đã tiến hành áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định, số gia cầm nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.

Cục Thú ý cho biết thêm, tại Nghệ An, từ ngày 25/8 đến ngày 12/9, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại huyện Tân Kỳ và cho đến nay còn một số ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Trước đó, tại Quảng Ngãi, dịch đã được dập tắt và qua 21 ngày không có gia súc mới bị mắc bệnh.

Cục cho rằng, các địa phương cần tập trung đôn đốc thực hiện tốt Chỉ thị 365/CT-TTg về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Quyết định 1442/QĐ-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng mức đền bù gia súc, gia cầm chết do dịch cũng như nâng cao mức hỗ trợ cho người làm công tác thú y tại địa phương.

Cụ thể, mức hỗ trợ mới là 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn, 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai và hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch để thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm, phun hóa chất khử trùng tiêu độc và phục vụ tại các chốt kiểm dịch. Mức chi tối đa 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

Cùng với đó, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch như khuyến cáo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, điểm giết mổ, vận chuyển, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, kiểm soát việc vận chuyển gia súc gia cầm, đặc biệt là từ ổ dịch đi các nơi…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương cần phân công cán bộ và tổ chức giám sát lâm sàng, lấy mẫu giám sát virus tại các địa bàn có nguy cơ cao nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để khi có ổ dịch cúm. Việc giám sát này cần tiến hành chặt chẽ hơn nữa trong thời điểm các địa phương khu vực phía Nam chuẩn bị tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt 2/2011.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, tình hình dịch đang được khống chế nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát cao nếu chủ quan.

Công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm nhằm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ là một nhiệm vụ trọng tâm trong lúc tình hình dịch cho đến nay được đánh giá là khả quan hơn so với tình hình năm ngoái.Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, trong công tác tuyên truyền, cần đặc biệt chú ý tới Quyết định  1442/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác dự báo dịch,  kiểm soát dịch song song với việc nghiên cứu, thử nghiệm vaccine mới và tìm hiểu các vaccine sẽ nhập sắp tới.

Theo Chinhphu.vn