Hậu phương của những chuyến tàu

28/07/2011 01:29 PM


Nghề biển, cũng giống như bao ngành nghề khác, để con thuyền đầy đủ điều kiện vươn khơi hay trở về sau chuyến hành trình vất vả, chính là những bến, bờ neo đậu để đưa sản phẩm lên bờ và tiếp nhận nhu yếu phẩm khác cho chuyến đi kế tiếp, hay phòng khi thiên tai ập đến.

Nghề biển, cũng giống như bao ngành nghề khác, để con thuyền đầy đủ điều kiện vươn khơi hay trở về sau chuyến hành trình vất vả, chính là những bến, bờ neo đậu để đưa sản phẩm lên bờ và tiếp nhận nhu yếu phẩm khác cho chuyến đi kế tiếp, hay phòng khi thiên tai ập đến.

 

Âu thuyền Thọ Quang cung cấp dịch vụ hậu cần và trú ẩn an toàn cho ngư dân - Ảnh: Chinhphu.vn

 

Ngày xưa, cha ông ta chỉ dựa vào vị thế tự nhiên để làm nên những bến, những bờ đơn sơ cho các con tàu neo đậu. Hay các ngư dân ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi lại tận dụng ngay những bãi cát ven biển để đưa thuyền lên bờ sau khi đánh bắt trở về. Còn lo cho việc hậu cần thì hoàn toàn tự túc. Các cơ sở khác như chế biến hải sản, cung cấp nhiên liệu, vật tư, ngư lưới cụ… thì tự cung tự cấp và rất manh mún, nhỏ lẻ.

Một số nơi ngư dân dựa vào sự phát triển của tàu hàng hải như thương cảng Hội An hình thành từ vài trăm năm trước, hay một số bến thuyền ở Chợ Hàn (Đà Nẵng), Thuận An (Thừa Thiên Huế), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mà neo đậu tàu thuyền, phục vụ cho nhu cầu đi biển chứ chưa có một khu vực chuyên dành cho ngư dân hoạt động.

Tình hình đó đã không còn thích hợp cho sự phát triển ngày càng nhiều con tàu vươn khơi. Nhất là trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ các loại tàu thuyền ngày càng đa dạng, đòi hỏi những dịch vụ kèm theo phải có quy mô lớn, hiện đại, nhanh chóng. Như các tàu thuyền có công suất trên 90 CV để đi ra ngư trường xa rất cần nhiều loại hàng cung cấp một lúc. Mặt khác khi tàu cập bến đưa các loại hải sản về hay khi tránh bão lại cần nơi neo đậu an toàn.

Vấn đề đặt ra là làm sao để ngư dân quyết tâm bám biển quê hương, đẩy mạnh sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc có thể yên tâm ra khơi.

Bởi vậy, mấy chục năm qua để lo cho ngư dân các tỉnh thành miền Trung yên tâm bám biển, Chính phủ và các địa phương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng hệ thống âu thuyền, cảng cá khá hiện đại và các cơ sở hậu cần khác như các nhà máy chế biến hải sản, cung cấp nhiên liệu, vật tư... ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Một số âu thuyền đã được xây dựng ở Quảng Nam như Âu thuyền Cù Lao Chàm, Âu thuyền Hồng Triều chứa được trên cả trăm tàu neo đậu khi có giông bão. Một số điểm trú ẩn cũng khá an toàn được xây dựng tại Lý Sơn, Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Tam Quan (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên)…

Thọ Quang – bến đỗ an toàn

 

Phân loại cá tại Cảng cá Thọ Quang - Ảnh: Chinhphu.vn

Trước đây, khi chưa có các âu thuyền, ngư dân đã cứu mình bằng cách chọn nơi nào cảm thấy an toàn. Do vậy gặp rất nhiều tai nạn như tàu thuyền bị đánh đắm, tài sản bị mất mát, con người bị thương vong.

 

Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang trên địa bàn Đà Nẵng, một trong những âu thuyền quy mô hơn và đồng bộ nhất về cơ sở hậu cần nghề cá nước ta hiện nay, đã ra đời, cung cấp dịch vụ hậu cần và trú ẩn an toàn cho ngư dân.

Để hiểu thêm quy mô của nó, chúng tôi được ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông lâm thuỷ sản Đà Nẵng giới thiệu đến làm việc với ban lãnh đạo Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang và một số ngư dân đang neo đậu tại đây.

Anh Huỳnh Văn Phương, Giám đốc phụ trách Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang cho biết, 5 năm qua, Chính phủ và thành phố Đà Nẵng đã đầu tư mấy trăm tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng khu hậu cần nghề cá hiện đại này.

Anh Phương cho biết, Âu thuyền được xây dựng trên diện tích rộng trên 58ha. Đây là âu thuyền lớn nhất nước ta hiện nay. Âu thuyền có 28 phao và hàng chục trụ trên bờ đủ sức chứa trên 800 tàu thuyền có công suất từ 20 đến 500CV neo đậu cùng lúc. Những khi có dự báo bão, ngư dân các tỉnh đang hoạt động trên biển gần khu vực Đà Nẵng, hay ngoài Hoàng Sa đã đưa tàu thuyền vào trú ẩn.

Bên cạnh Âu thuyền là 3 hệ thống cầu cảng cá hình chữ T dài cả trăm mét, trong đó có 2 cầu cảng đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ cho hàng trăm tàu cá ngư dân cập mạn để đưa cá lên bờ hoặc nhận nhiên liệu. Đây là cầu cảng cá chuyên dùng cho ngư dân. Nhiều hôm tàu về đông, mỗi cầu có hàng trăm tàu cập mạn, tạo nên một không khí sôi động, náo nhiệt.

Ngoài ra, để ngư dân có thể an tâm khi đưa tàu đến Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang cũng như chuẩn bị ra khơi đánh bắt, hơn 20 nhà máy chế biến hải sản đã mọc lên, thu mua hải sản tại chỗ và nhập từ các nơi khác về.

Có 4 cây xăng dầu trên bờ, 2 tàu nhiên liệu di động dưới sông, 6 xưởng sản xuất 500 tấn nước đá mỗi ngày, đủ đáp ứng cho ngư dân một cách dễ dàng.

Trao đổi với chúng tôi, một chủ tàu người Quảng Ngãi cho biết: “Các dịch vụ ở đây đầy đủ và tốt lắm. Chúng tôi không mất thời gian cho việc bán sản phẩm hoặc mua các vật dụng cần thiết để hoạt động dài ngày trên biển. Không những thế, mùa mưa bão năm ngoái tôi đưa tàu vào đây trú ẩn được Ban quản lý tạo thuận lợi, cảm thấy rất an tâm”.

 

Phân loại cá tại một tàu cá cập cảng Sa Kỳ, Bình Sơn - Ảnh: Chinhphu.vn

Nét đặc trưng khác của tổ hợp Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang là sự sôi động của mùa cá. Theo tính toán của ban quản lý, mỗi ngày tại đây có có từ 30-40 tàu, cao điểm có khi lên đến 80 tàu ra vào cảng cá, hầu hết là tàu có công suất lớn trên 90 CV. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2011 có tới 6.243 tàu cập cảng.

 

Đáng chú ý là số tàu ngư dân cập cảng có trên 70% là đến từ các địa phương, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Nhiều đồng chí lãnh đạo đến thăm và tìm hiểu, khi nghe những con số đó rất phấn khởi vì tính hiệu quả rất cao của công trình. Nó đã tạo cho ngư dân có cơ sở hậu cần nghề cá hiện đại, liên hoàn, vào ra hoạt động thuận lợi, an toàn.

Dưới bến là vậy, còn trên bờ cũng không kém phần sôi động. Nơi đây có khu chợ cá, khu kho bãi và khu các dịch vụ khác rộng trên 6.000 mét vuông chạy dọc theo cảng cá. Mỗi ngày, thu hút trên 5.000 người cùng hàng ngàn lượt phương tiện vào ra hoạt động. Nhất là từ một giờ sáng đến 8 giờ cùng ngày, Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang náo nhiệt một cách rất đặc trưng khó tả. Không chỉ có tiếng nói râm ran của con người mà tiếng va đập của tàu thuyền, của các công cụ khác cũng tạo ra thứ âm thanh ồn ã đặc trưng.

Dưới ánh sáng của ngọn đèn cao áp, những khoang thuyền đầy ắp cá óng ánh được ngư dân và đội quân bốc vác chuyên nghiệp vận chuyển lên bờ rầm rập cho các ô tô chờ sẵn của các đại lý thu mua, để ngay sau đó cung cấp cho các nhà máy, hơn 200 điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và nhiều địa phương khác trong khu vực.

Tuy nhiên, tạo dựng cho được những cơ sở hậu cần nghề cá không chỉ là những âu thuyền, cảng cá mà còn là nguồn nhân lực, là hệ thống thông tin liên lạc, là các phương tiện hiện đại từ tàu thuyền, ngư lưới cụ, các phương tiện định vị, dò tìm cá… để cho ngư dân có khả năng khai thác tốt và phòng tránh khi thiên tai diễn ra.

Một số ngư dân nói với chúng tôi, muốn cho ngư dân đánh bắt xa bờ có hiệu quả, hoạt động dài ngày, thì các cơ sở hậu cần di động phải được hình thành để thu mua hải sản ngay trên biển, việc bảo quản, chế biến các loại hải sản phải hiện đại, có chất lượng cao, tạo ra giá trị lớn cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Trước xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của nghề biển, công tác xây dựng cơ sở hậu cần phục vụ cho ngư dân tại các địa phương ven biển và các đảo càng trở thành một nhiệm vụ lớn và cấp bách. Nó sẽ là nhân tố lớn cho ngư dân vững tin vào các hoạt động trên biển của mình trước mắt và lâu dài.

Kỳ cuối: An toàn cho những chuyến khơi xa

Nguyên Châu- Hồng Hạnh- Thế Phong

>> Bài liên quan:

Kỳ III: Những hải trình không đơn độc

Kỳ II: Giàu lên từ biển

Kỳ I: Nghiệp biển

Theo Chinhphu.vn