Liên kết vùng – giải pháp căn cơ cho nông nghiệp ĐBSCL
21/07/2011 07:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đang tiến hành rà soát để xây dựng cơ chế liên kết vùng. Đây được coi là giải pháp cần thiết để giúp vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển “tam nông”.
Liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để phát triển các mặt hàng nông sản đặc trưng của Tây Nam bộ - Ảnh minh hoạ
Vùng ĐBSCL đóng góp hơn 20 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% tổng sản lượng lúa gạo của cả nước, hàng năm thu về hơn 2,5 tỷ USD xuất khẩu gạo. Mọi tác động bất lợi về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, thị trường đều ảnh hướng đến an ninh lương thực, xuất khẩu lúa gạo của quốc gia và thu nhập của nông dân trồng lúa.
Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng chiếm 40% trong tổng diện tích hơn 786 nghìn ha cây ăn quả của cả nước. Tuy vậy, việc sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả còn nhiều bấp bênh vì thiếu vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng giống, kỹ thuật thâm canh thấp và thiếu liên kết với thị trường.
Cá da trơn và tôm cũng là hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng vùng, nhưng thời gian vừa qua việc sản xuất đã gặp nhiều trở ngại về giống, môi trường nuôi, kỹ thuật không đồng bộ. Hơn thế nữa, nhu cầu thị trường và giá thế giới ngày càng tăng, nhưng nông dân vẫn bán giá thấp, tiêu thụ bấp bênh.
Theo Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang, liên kết vùng là giải pháp căn cơ để khắc phục các khó khăn trên.
Ông Nguyễn Phong Quang lý giải, xây dựng được cơ chế liên kết hoàn chỉnh mới có thể triển khai kịp thời các biện pháp giải quyết các vấn đề, bất trắc có thể xảy ra. Các địa phương có chung tiềm năng, thế mạnh cùng liên kết sẽ tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho nông dân, triển khai đồng bộ và phát huy tác dụng công tác đào tạo nghề cho nông dân.
Bên cạnh đó, ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề sống còn của ĐBSCL mà từng ngành, từng địa phương riêng lẻ không thể giải quyết được. Liên kết vùng được xem là giải pháp hiệu quả để quản lý nguồn nước, ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, giảm năng suất nông nghiệp, thuỷ sản…
Trên thực tế, liên kết vùng ở ĐBSCL đã hỗ trợ cho nhiều ngành nghề khác, trong đó có du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, từ đầu năm đến nay, vùng đã đón hơn 10 triệu lượt du khách, tăng 720.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2010.
Đạt được kết quả này, các tỉnh trong vùng liên kết, thực hiện một loạt biện pháp như phối hợp đào tạo nhân lực; hình thành trung tâm xúc tiến du lịch quảng bá du lịch thống nhất cho toàn vùng; xây dựng trang web nối mạng internet nhằm mở rộng thông tin liên quan đến du lịch; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch.
Riêng ngành du lịch 4 tỉnh, thành là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ còn thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, định hướng phát triển đến 2020.
Đề án tổng thể cho nông nghiệp
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010 diễn ra cuối tuần qua, giải pháp liên kết vùng để tạo sự phát triển bền vững cho vùng Tây Nam bộ thu hút được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
Quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Nguyễn Văn Sánh cho rằng, để tạo bước đột phá qua liên kết vùng cần thu hút được sự tham gia của “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông).
Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã nghiên cứu và đề xuất một đề án tổng thể với các dự án: phát triển sản xuất lúa gạo; cây ăn trái, cá da trơn, tôm nước mặn; nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua đào tạo nghề; cơ chế tổ chức và chính sách thực hiện các dự án trên.
Đối với cây lúa, dựa vào quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2030, quy hoạch và đầu tư quy hoạch theo tiểu vùng sản xuất là nền tảng để liên kết vùng về giống, quy trình sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, tổ chức sản xuất nông dân kết nối với doanh nghiệp.
Đối với cây ăn quả, mỗi tỉnh sẽ chọn ra 1 – 2 cây trồng chủ lực và 2-3 cây trồng phụ. Tỉnh, thành nào có lợi thế về cây trồng chủ lực sẽ phối hợp với các tỉnh khác đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Về đào tạo nghề cho nông dân, sẽ lồng ghép đào tạo cho nông dân có trình độ thâm canh cao, sản xuất những đối tượng, cây, con trên và liên kết vùng để sử dụng nguồn lực này hiệu quả hơn.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe báo cáo của các nhà khoa học để sớm triển khai đề án, tổ chức nghiệm thu để trình Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...