Công nghiệp tiếp tục là đầu tàu tạo động lực tăng trưởng

06/07/2011 07:40 AM


Công nghiệp là ngành kinh tế thực trọng yếu, có tỷ trọng lớn trong GDP, có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành.

Công nghiệp là ngành kinh tế  thực trọng yếu, có tỷ trọng lớn trong GDP, có  tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (tính theo chỉ số sản xuất) ước 6 tháng 2011 như sau:

 

Nguồn số liệu: Báo cáo tháng 6/2011 của Tổng cục Thống kê

 

Như vậy, tốc độ tăng của 6 tháng năm nay đã cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9,7% so với 8%).

Giữ được “phong độ” cao

Trong điều kiện kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng, lãi suất vay ngân hàng cao, chi phí đẩy lớn, tiêu thụ gặp khó khăn, sản xuất công nghiệp đạt được phong độ cao như trên là một cố gắng lớn, đã góp phần quan trọng đối với tốc độ tăng chung.

Tăng trưởng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đạt 6,98%, cao nhất trong các nhóm ngành (nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 2,08%, xây dựng tăng 4,26%, dịch vụ tăng 6,12%) và cao hơn tốc độ chung (5,57%).

Nói cách khác, công nghiệp tiếp tục là động lực, là đầu tàu của tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, góp phần vào việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm sâu hơn của tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp (nếu tính theo phương pháp cũ là giá  trị sản xuất theo giá cố định năm 1994) đạt 14,3% và đạt được ở các loại hình kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,3%, trong đó doanh nghiệp nhà nước địa phương trong nhiều năm trước thường bị sụt giảm, nhưng nay vẫn tăng 3,5%.

Đạt được kết quả do tác động của 2 yếu tố: đã tìm đến thị trường trong nước, nhất là hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Vịêt Nam”; nhiều doanh nghiệp nằm trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã được sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp trong việc vay vốn, cắt giảm, giãn thuế,…

Khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng với tốc độ cao nhất (17,1%). Khu vực này đã khai thác tốt hơn cả 3 yếu tố- ngoài 2 yếu tố giống như đã được đề cập ở trên đối với doanh nghiệp nhà nước địa phương, còn có sự tăng lên của năng lực sản xuất, với sự ra đời của các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao thứ hai (17%) nhờ đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu khi kinh tế thế giới có sự phục hồi và tranh thủ khi giá xuất khẩu tăng cao (chỉ số giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước tăng 13,6%, nếu tính thêm tốc độ tăng tỷ giá bình quân là 10,3%, thì tăng 25,3%).

Tăng trưởng công nghiệp đạt được ở  cả 3 nhóm ngành.

Nhóm ngành chế biến tăng trưởng với tốc độ cao nhất, ở mức hai chữ số. Trong 32 ngành của nhóm ngành chế biến, có 25 ngành tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 17 ngành tăng cao hơn tốc độ chung (12,7%). Cao nhất là sản xuất đường (tăng 43,5%), nhờ tốc độ tăng tiêu thụ rất cao (49,8%), góp phần quan trọng vào việc giảm giá đường.

Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng cao (38,1%), nhờ có chỉ số tiêu thụ rất cao (80,8%). Tương tự, sản xuất đồ uống không cồn tăng 35% và tăng 29,9%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa tăng 35,3% và tăng 27,2%,… Sản xuất xi măng, sản xuất sắt thép, phân bón, giấy, bia, thức ăn gia súc, bơ sữa,… đều tăng hai chữ số.

Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 10,3%, trong đó sản xuất tập trung và phân phối điện tăng 10,7%, đã góp phần giảm bớt sự căng thẳng về nguồn phải cắt điện luân phiên như năm ngoái.

Nhóm ngành công nghiệp khai thác mỏ chỉ tăng 2,8%, thấp nhất trong 3 nhóm ngành công nghiệp. Điều này là phù hợp với chủ trương tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước,…

Đóng góp vào tốc độ tăng cao của sản xuất công nghiệp là sự tăng cao của tiêu thụ. Chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến 5 tháng đạt 17,5%, cao hơn tốc độ tăng sản xuất của ngành này. Trong các kênh tiêu thụ (đầu tư, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu), thì xuất khẩu tăng khá cao (30,3%).

Để “phong độ” cao hơn
 

Tuy nhiên, để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển với “phong độ” cao hơn, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ góp phần khắc phục dần tính gia công, lắp ráp của sản xuất, xuất khẩu, giảm tính phụ thuộc vào nước ngoài, kiềm chế nhập siêu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động,…

Trong đó cần chú trọng ưu tiên việc tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý cho công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ,…, đồng thời phải nhanh chóng giảm bớt lượng lượng hàng tồn kho để duy trì và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Theo Chinhphu.vn