UBTVQH cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
30/06/2011 07:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 29/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Ảnh: VNA
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 có chuyển biến tích cực. Năm 2011, Chính phủ đã chủ trì, soạn thảo 29 dự án luật, nghị quyết, trong đó, có 22 dự án thuộc chương trình chính thức và 7 dự án thuộc chương trình chuẩn bị.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 gồm tổng số 52 dự án (47 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh), trong đó có 33 dự án thuộc chương trình chính thức và 19 dự án thuộc chương trình chuẩn bị.
Trong số 52 dự án luật, pháp lệnh của năm 2012, có 22 dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XII chuyển sang, với 15/22 dự án thuộc năm 2011.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, Chính phủ đã có sự chủ động, khẩn trương trong việc xây dựng và gửi dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và xác định rõ việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc bố trí các dự án trong từng kỳ họp cần theo thứ tự ưu tiên, xem xét đưa vào Chương trình các dự án cần thiết đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, không dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để bảo đảm tính khả thi của Chương trình và chất lượng dự án.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị chuyển vào chương trình chuẩn bị năm 2012 một số dự án luật quan trọng như dự án Luật Quy hoạch và dự án Luật đô thị; dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Công đoàn (sửa đổi); Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); các dự án liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Một số dự án Luật khác cũng được kiến nghị đưa vào chương trình chuẩn bị như Luật Việc làm, Luật Đầu tư công, Luật Sử dụng vốn nhà nước, Luật Thủ đô…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao công tác chuẩn bị về nội dung các luật, pháp lệnh được đưa ra thảo luận của các cơ quan thuộc Chính phủ cũng như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đối với những hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, cần có những giải pháp có tính chế tài để vừa nâng cao hiệu quả, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật theo hướng đảm bảo chất lượng và sớm thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng.
Có thực hiện được như vậy, các Luật ban hành mới đảm bảo được tính đồng bộ và khả thi, đi vào cuộc sống và có hiệu lực cao trong xã hội.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...